Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc bất ngờ tăng tốc
Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm cao hơn 16,5% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch làm gián đoạn thương mại toàn cầu...
Nhiều hãng xe hơi phương Tây đang ngày càng lo ngại về sự kìm hãm của Trung Quốc đối với sản xuất đất hiếm và pin lithium. Ảnh: Reuters.
Xuất khẩu các sản phẩm đất hiếm của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã tăng vượt mức so với trước đại dịch vào năm 2019 khi nhà sản xuất nguyên tố kim loại lớn nhất thế giới này phục hồi động lực bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố chuỗi cung ứng trong nước và một số nhà sản xuất ô tô phương Tây tìm nhà cung cấp mới thay thế.
Một bảng phân tích dữ liệu chi tiết từ cơ quan hải quan Trung Quốc được công bố vào cuối tuần cho hay xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc tính theo khối lượng trong sáu tháng đầu năm là khoảng 51.000 tấn, cao hơn 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 16,5% so với nửa đầu năm 2019, trước khi đại dịch coronavirus ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.
Các số liệu xuất khẩu mạnh mẽ được đưa ra bất chấp căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây, và dự thảo luật mới đề xuất thắt chặt kiểm soát đối với sản xuất và tinh chế đất hiếm, mà Bắc Kinh coi là một nguồn tài nguyên chiến lược.
Trung Quốc kiểm soát khoảng 90% nguồn cung cấp đất hiếm trên thế giới, đất hiềm là một nhóm gồm 17 nguyên tố giống nhau về mặt hóa học, có nhiều trong tự nhiên, nhưng rất khó khai thác.
Các nguyên tố có trong đất hiếm này rất quan trọng đối với nhiều lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm viễn thông, điện tử, hàng không vũ trụ, quốc phòng và sản xuất ô tô.
Cùng với các vật liệu như coban, lithium và niken, đất hiếm là một thành phần quan trọng trong pin cung cấp năng lượng cho những chiếc xe điện – một trong những lĩnh vực ngày càng mở rộng trên khắp thế giới hiện nay.
Nhưng khi ngành công nghiệp ô tô điện toàn cầu phát triển, nhiều công ty đa quốc gia đang trở nên cảnh giác với việc phụ thuộc vào Trung Quốc như nhà cung cấp đất hiếm chính của họ để sử dụng chúng trong các bộ phận như nam châm và pin lithium.
Mặt khác, xuất khẩu pin lithium của Trung Quốc cũng bùng nổ trong 6 tháng đầu năm, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi xuất khẩu ô tô điện và hybrid của nước này cũng tăng gấp nhiều lần.
Theo một phân tích mới của Reuters được công bố hôm thứ 2 cho thấy, nhiều nhà sản xuất ô tô phương Tây đã tìm cách thay thế đất hiếm trong nhiều năm nay và các nhà sản xuất chiếm gần một nửa doanh số đất hiếm toàn cầu cho biết họ hiện đang hạn chế sử dụng thành phần này trong sản xuất.
Các công ty ô tô ở phương Tây cho biết họ không chỉ lo ngại về việc đảm bảo nguồn cung mà còn bởi sự thay đổi lớn về giá và tác hại đến môi trường của đất hiếm trong chuỗi cung ứng.
Theo công ty tư vấn Adamas Intelligence có trụ sở tại Canada, mức tiêu thụ đất hiếm trên toàn cầu sẽ tăng lên 15,7 tỷ USD vào năm 2030, gần gấp 4 lần giá trị của năm nay.
Nhà sản xuất ô tô BMW đã thiết kế lại công nghệ xe điện của mình để bù đắp cho việc thiếu đất hiếm, trong khi nhà sản xuất Renault SA đã đưa ra mẫu ô tô có tên “Zoe” mà không sử dụng đất hiếm trong loại xe này - một phân khúc xe đô thị nhỏ không cần phạm vi lái rộng hiện đang ngày càng tăng doanh số.
Vào tháng 2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh xem xét chuỗi cung ứng của Mỹ đối với các sản phẩm quan trọng bao gồm chất bán dẫn, dược phẩm, pin xe hơi và khoáng chất đất hiếm quan trọng đối với các ứng dụng công nghệ cao và quốc phòng.
Vào tháng 3, Bộ Năng lượng Mỹ đã công bố một sáng kiến trị giá 30 triệu USD nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng nội địa đối với đất hiếm và các khoáng chất quan trọng khác trong sản xuất pin như coban và lithium.
Liên minh châu Âu hiện cũng đang tiến hành các kế hoạch củng cố chuỗi cung ứng cho các nguyên liệu quan trọng, với Liên minh pin châu Âu gồm 500 thành viên được thành lập vào năm 2017 để đảm bảo chuỗi giá trị sản xuất pin ổn định ở khu vực này.