Xuất khẩu dầu thô của Libya phục hồi chậm chạp
Xuất khẩu dầu thô của Libya dự kiến giảm ít nhất 300.000 thùng/ngày vào tháng 9, mặc dù sản lượng có sự phục hồi khiêm tốn.
Các nhà phân tích tại FGE đã báo cáo rằng sản lượng dầu thô của Libya đã tăng khoảng 200.000 thùng/ngày kể từ đầu tháng, hiện ở mức từ 650.000 - 700.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, xuất khẩu từ miền Tây Libya dự kiến vẫn ở mức tối thiểu do tình trạng bất khả kháng tại hai mỏ dầu lớn của nước này, bao gồm El Sharara - công suất 270.000 thùng/ngày và mỏ El Feel - công suất 70.000 thùng/ngày.
FGE dự kiến tổng sản lượng dầu thô của Libya trong tháng 9 sẽ ở mức từ 750.000 thùng/ngày đến 800.000 thùng/ngày.
Các cảng của Libya đã ghi nhận sự gia tăng trong việc chất dầu thô, với dự kiến xuất khẩu sẽ tăng lên 370.000 thùng/ngày trong tuần này và 490.000 thùng/ngày vào tuần tới. Tuy nhiên, triển vọng chung về xuất khẩu trong tương lai gần của quốc gia thành viên OPEC này vẫn chưa chắc chắn.
Xuất khẩu trong tháng 8 của Libya được duy trì ở mức hơn 1 triệu thùng/ngày, một phần là nhờ vào dầu thô dự trữ. Do phần lớn lượng dầu dự trữ này hiện đã cạn kiệt, FGE dự kiến xuất khẩu trong tháng 9 của Libya sẽ giảm mạnh. Tổng lượng hàng xuất khẩu trong tháng 9 sẽ trung bình dưới 700.000 thùng/ngày theo dự báo - ít hơn 300.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, giả sử tình trạng bất khả kháng vẫn tiếp diễn.
Đây là sự kết hợp giữa việc xuất khẩu tăng ở miền Đông Libya và xuất khẩu giảm ở cảng phía tây do tình trạng bất khả kháng tại các mỏ dầu Sharara và El Feel, lần lượt tại cảng Zawia và cảng Mellitah.
Chính quyền miền Đông Libya đã ra lệnh đóng các mỏ dầu trên toàn quốc vào ngày 26/8, sau khi chính quyền miền Tây quyết định sa thải người đứng đầu Ngân hàng Trung ương, Sadiq al-Kabir. Mặc dù đã đạt được thỏa thuận vào ngày 3/9 để bổ nhiệm một người đứng đầu ngân hàng trung ương mới trong vòng 30 ngày, nhưng căng thẳng vẫn ở mức cao và nhiều nhà quan sát lo ngại rằng thỏa thuận có thể không được thực hiện.
Lãnh đạo Hạ viện miền Đông đã tuyên bố rằng lệnh phong tỏa dầu mỏ sẽ tiếp tục cho đến khi ông Sadiq al-Kabir được phục chức.
Sự bất ổn này khiến ngành dầu mỏ của Libya rơi vào tình thế bấp bênh. Giới phân tích cảnh báo rằng sự bế tắc chính trị đang diễn ra, có thể ngăn cản sự phục hồi hoàn toàn của xuất khẩu dầu thô trong tương lai gần.