Xuất khẩu dệt may bứt tốc năm 2025?
Ngày 25-12, tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức gặp mặt báo chí thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh, phong trào công nhân lao động năm 2024 và các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán 2025.
Thông tin tại cuộc gặp, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, nửa đầu năm, tình hình ngành dệt may Việt Nam vẫn rất khó khăn. Yếu tố khách quan là kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, lạm phát tăng; bất ổn chính trị tiếp tục duy trì; đơn hàng với ngành may tiếp tục là đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu khắt khe về chất lượng, thời gian giao hàng nhanh, giá thấp.
Tuy nhiên, nửa cuối năm, dệt may Việt Nam có nhiều đơn hàng nhờ quá trình chuyển dịch đơn hàng. Một số thị trường đối thủ của dệt may Việt Nam bị bất ổn chính trị, điển hình là Bangladesh, dẫn tới khách hàng chuyển hướng đặt hàng từ Bangladesh sang Việt Nam.
Theo đó, các doanh nghiệp ngành may của Việt Nam nói chung và của Tập đoàn nói riêng gần như đầy đơn hàng suốt từ tháng 7-12. Nhiều đơn vị đến nay đã có đơn hàng hết quý I-2025, thậm chí một số đơn vị đã có đơn hàng đến hết tháng 4, tháng 5-2025.
Dự báo tình hình dệt may năm 2025 có những tín hiệu khả quan, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, toàn ngành dệt may đang ngóng chờ các động thái từ tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó chánh văn phòng Hội đồng quản trị Vinatex, ngành dệt may Việt Nam tại Mỹ sẽ có nhiều cơ hội nếu làm tốt, nhất là tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ, truy xuất chuỗi cung ứng…
Về xuất khẩu dệt may nói chung trong năm tới, Vinatex nghiêng về dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm 2025 đạt 850 tỷ USD, xuất khẩu dệt may Bangladesh có thể phục hồi từ tháng 7-2205. Xuất khẩu dệt may Việt Nam năm sau có thể đạt 45,5-46 tỷ USD, tăng 5-6% so với mức 43,5 tỷ USD của năm nay.
Năm 2024, với sự quyết liệt, nhiều đổi mới tích cực trong công tác điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động trong toàn hệ thống, Vinatex bảo toàn được nguồn lực cốt lõi là lao động và khách hàng, vượt qua khó khăn năm 2024 với kết quả: Doanh thu hợp nhất ước đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8% so với năm 2023; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5% so với năm 2023; thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023.
Theo thống kê sơ bộ, lương tháng 13 và thưởng Tết cho người lao động trong hệ thống ước bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người, tương đương 1,5-2 tháng lương.
Liên quan tới hoạt động chăm lo Tết, dịp Tết Nguyên đán 2025, Công đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp với Tập đoàn tổ chức Chương trình Tết sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình tại nhiều điểm trên cả nước với các nội dung: Bán các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ chuyến xe, tấm vé nghĩa tình đưa người lao động về quê đón Tết, cùng nhiều hoạt động bên lề khác như: Văn hóa văn nghệ, thi gói bánh chưng và bày mâm ngũ quả...
Theo kế hoạch có hơn 1.990 cán bộ, đoàn viên, người lao động được công đoàn ngành tặng quà Tết bằng tiền và hiện vật; có 655 người lao động được hỗ trợ tấm vé nghĩa tình về quê đón Tết; có 129 gian hàng ưu đãi giảm giá, gian hàng 0 đồng, lợi ích mang đến cho người lao động dự kiến là hơn 4,5 tỷ đồng (chưa bao gồm các hoạt động chăm lo ở cấp cơ sở).
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/xuat-khau-det-may-but-toc-nam-2025-808702