Xuất khẩu dệt may duy trì đà tăng trưởng
Vượt qua những thách thức đến từ diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, ngành dệt may Việt Nam về đích năm 2024 với kết quả khá ấn tượng. Ngành đang đẩy mạnh mở rộng thị trường, nhạy bén trong chuyển đổi mô hình, đầu tư máy móc, thiết bị và sản phẩm nhằm nâng cao nội lực, khai thác hiệu quả các đơn hàng, mạnh dạn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47-48 tỷ USD năm 2025.
Nhìn lại hành trình của ngành dệt may năm 2024, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, đây là một năm với nhiều cung bậc khi trong 6 tháng đầu năm 2024 thị trường xuất khẩu không nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, đến tháng 7/2024, đơn hàng bất ngờ đổ dồn về để rồi kết thúc năm 2024 với kết quả 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Nhờ đó, Việt Nam được đánh giá đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong các cường quốc xuất khẩu dệt may.
Đặc biệt, kết thúc năm 2024 với kết quả 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, ngành dệt may được đánh giá đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong các cường quốc xuất khẩu dệt may; năm 2024, xuất siêu đạt 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023. Với kết quả này, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc về tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, đứng trên Bangladesh. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu; Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%, chiếm tỷ trọng 10,39%; EU ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 7,66%, chiếm tỷ trọng 9,77%.
Vitas cho biết, hiện nay hầu hết doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý 1/2025 và đang đàm phán đơn hàng cho quý 2/2025. Nguyên nhân là do doanh nghiệp tận dụng tốt chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu sang Việt Nam, thích ứng nhanh với những yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Cùng với đó là việc áp dụng các giải pháp về công nghệ, tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động.
Thuận lợi và thách thức song hành
Bước sang năm 2025, xuất khẩu dệt may được nhận định vẫn có đà tăng trưởng tốt, tiếp nối nền móng của năm 2024. Không chỉ riêng yếu tố thị trường, mà chính năng lực cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được nâng lên với mục tiêu mang đến các đơn hàng giá tốt, nhưng vẫn giữ được chất lượng nhằm duy trì quan hệ hợp tác một cách bền vững. Hầu hết doanh nghiệp trong ngành đã nhạy bén, linh hoạt trong chuyển đổi mô hình, đầu tư máy móc, thiết bị.
Bên cạnh việc nâng cao trình độ tay nghề, gia tăng năng suất, các đơn vị cần có các chính sách thu hút, giữ chân người lao động để bảo đảm nguồn lực phục vụ sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng. Ông Vũ Đức Giang nhận định, ngành dệt may hiện đang có nhiều lợi thế khi 17 trong tổng số 19 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực. Ngoài ra, ngành cũng tiếp thu tốt công nghệ tự động hóa, quản trị số, thích ứng tốt trước đòi hỏi về tiêu chuẩn xanh bền vững từ nhiều thị trường xuất khẩu.
Đại diện Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đang chuẩn bị đón đầu các đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc trong thời gian tới.
Tuy nhiên, doanh nghiệp trong ngành cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới trong năm 2025, như tình trạng giá đơn hàng thấp trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng; các nhãn hàng có sự thay đổi lớn trong cách mua hàng, cũng như các quy định liên quan đến thanh toán, giảm sản lượng.
Theo ông Giang, những quy định mới với các tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến “xanh hóa” trong sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu… là những vấn đề trước mắt các doanh nghiệp dệt may tiếp tục phải đối mặt trong năm tới. Ngoài ra, trước sức cạnh tranh gay gắt từ thị trường cung ứng, các doanh nghiệp dệt may Việt cũng đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn lao động, truy xuất nguồn gốc và phát thải carbon thấp từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU.
Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết, một trong những khó khăn đối với doanh nghiệp thời gian qua đó là tình trạng thiếu hụt lao động, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu không sớm giải quyết được nút thắt này, mục tiêu xuất khẩu đạt 48 tỷ USD của ngành dệt may chắc chắn bị ảnh hưởng không nhỏ.
Trước sức cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng gay gắt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt kiến nghị, cần có quy hoạch nguồn nhân lực theo chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia, trong đó nên quy hoạch nguồn lực lao động cho các ngành nghề rõ ràng. Nếu không, việc thiếu hụt lao động sẽ tiếp tục tái diễn.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-det-may-duy-tri-da-tang-truong-159844.html