Xuất khẩu dừa và sản phẩm chế biến có thể đạt 1,2 tỷ USD

Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu dừa và sản phẩm chế biến năm nay có thể đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15 - 20% so với năm 2023. Tuy tăng trưởng mạnh nhưng muốn bền vững, cần bảo đảm nguồn cung ổn định, chất lượng tốt và quan tâm xây dựng thương hiệu cho ngành dừa.

Xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc dự kiến đạt 250 triệu USD

- Thời gian qua, ngành dừa phát triển ra sao, thưa ông?

- Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện có khoảng 200.000ha dừa, được trồng ở 15 tỉnh, thành phố, với sản lượng ước đạt 2 triệu tấn/năm. Khoảng một phần ba diện tích trồng dừa của nước ta đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long (Trà Vinh, Bến Tre). Hiện, trái dừa tươi đã xuất khẩu sang 15 thị trường trên thế giới với sản lượng 30.000 tấn. Cả nước có trên 600 doanh nghiệp sản xuất dừa và liên quan đến dừa. Điều này tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu loại quả này.

Đặc biệt, đầu quý III.2023, ngành dừa có "đòn bẩy" là Nghị định thư của Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính thức vào nước này. Cuối năm 2023, chúng ta lại có thư của Hải quan Mỹ cho phép nhập khẩu dừa tươi vào thị trường Mỹ. Điều này đã có tác động rất lớn, tạo hiệu ứng hình ảnh rất lớn cho trái dừa Việt Nam. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dừa đã đạt hơn 1 tỷ USD.

Tính đến thời điểm này, trái dừa tươi được xếp vị trí thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trái cây, sau sầu riêng, thanh long, chuối, xoài, mít. Ước tính trong 10 tháng năm 2024, riêng kim ngạch xuất khẩu dừa tươi đã đạt hơn 120 triệu USD. Con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh khi các doanh nghiệp liên tục ký được các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

- Việc doanh nghiệp liên tục có đơn hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc có ý nghĩa như thế nào?

- Vừa qua, tại Lễ hội trái cây Việt Nam tại Bắc Kinh, trái dừa đã gây hiệu ứng tốt; các doanh nghiệp ngành dừa được chào đón rất nhiệt tình và đều có đơn hàng xuất khẩu. Thấp nhất là ký được 10 container; trung bình là 40 - 50 container và cao nhất là 1.500 container.

Cũng trong tháng 10.2024, những container dừa tươi đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là những lô dừa tươi đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân qua các cửa khẩu biên giới đường bộ phía Bắc.

 Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường dừa Việt Nam tại Trung Quốc; việc mở cửa được thị trường này là tín hiệu rất tốt không chỉ cho ngành dừa mà còn giúp người dân tăng thu nhập. Hiện, Hiệp hội, các Bộ ngành, doanh nghiệp xuất khẩu dừa cũng đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu, xúc tiến thương mại, cải tiến công nghệ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

- Hết năm 2024 dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa bao nhiêu, thưa ông?

- Cả năm 2024 dự báo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này và sản phẩm chế biến có thể đạt 1,2 tỷ USD (tăng 15 - 20% so với năm 2023) nếu quá trình xuất khẩu diễn ra suôn sẻ.

Trong đó, xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc dự kiến đạt 250 triệu USD, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Đối với các sản phẩm chế biến sâu đang trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh để điều chỉnh giá bán sản phẩm chính thức trên thị trường quốc tế nên cũng kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu của các loại sản phẩm này. Quý I.2025 dự báo kim ngạch cũng sẽ tăng cao.

Tạo thương hiệu vững mạnh hơn

- Tuy nhiên ngành dừa vẫn còn nhiều nỗi lo, thưa ông?

- Đúng như vậy! Đầu tiên, ngành sản xuất dừa trong nước vẫn đối mặt thách thức khi giá của Thái Lan thấp hơn. Ngành cũng thiếu sự liên kết, đồng bộ. Các nguồn giống không kiểm soát, tự lai tạo nên gây trở ngại cho việc hình thành vùng nguyên liệu.

Quy hoạch vùng trồng dừa tươi cũng chưa ổn định. Công nghệ chế biến dừa tươi uống nước của doanh nghiệp Việt còn mang tính "bán thủ công", thành ra sản phẩm tương đối ít. Ví dụ máy gọt một lần chỉ được 1 - 2 trái, khiến tốc độ đáp ứng cho các container hàng chưa cao. Điều này cũng giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh đó, các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn về thực vật, an toàn thực phẩm cũng như xuất xứ, bao bì, mẫu mã, cũng tạo ra những thách thức không nhỏ.

Tuy nhiên, cái khó nhất của sản phẩm và doanh nghiệp dừa Việt Nam là so với nhiều nước cùng xuất khẩu mặt hàng này chúng ta vẫn bị thua về cách định vị thương hiệu, mã quy hoạch vùng trồng, vùng nguyên liệu chưa bài bản. Tư duy còn mang tính thời vụ, không mang tính lâu dài.

- Để khai thác hiệu quả cơ hội từ các thị trường xuất khẩu, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành dừa, theo ông thời gian tới cần lưu ý những vấn đề gì?

- Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tập trung kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu dừa đạt chuẩn; đẩy mạnh vùng liên kết, truy xuất nguồn gốc và bảo hộ thương hiệu cho ngành dừa.

Để duy trì chất lượng, lòng tin của người tiêu dùng Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trên thế giới, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng quy trình chọn lựa, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Hàng hóa phải bảo đảm chất lượng, giá cạnh tranh và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định kiểm dịch của nước nhập khẩu.

Doanh nghiệp, nhà vườn cần nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng quy trình sản xuất, liên kết chặt chẽ, bảo đảm nguồn cung ổn định và chất lượng phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thay đổi chất lượng để đồng bộ. Ngoài ra, phải tìm hiểu kỹ thị trường, nâng cao giá trị trái dừa Việt Nam.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh quy hoạch lại vùng nguyên liệu, mở rộng diện tích dừa được cấp phép xuất khẩu. Các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường. Điều quan trọng nhất là có kế hoạch bài bản, thận trọng nhằm tạo thương hiệu vững mạnh hơn cho ngành dừa; đồng thời, có chính sách hỗ trợ về vốn, máy móc thiết bị hiện đại, chính sách vùng trồng bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xuat-khau-dua-va-san-pham-che-bien-co-the-dat-12-ty-usd-post397217.html