Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng trong khó khăn - Kỳ 1
Kỳ 1: Tận dụng tốt cơ hội
Với việc tận dụng tốt cơ hội từ nhiều thị trường cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết đã góp phần quan trọng giúp hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Bình Dương duy trì mức tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2022.
Giữ vững thị trường truyền thống
6 tháng đầu năm 2022, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 song sự phục hồi khá tốt. Việc triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả. Cùng với đó các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện, đã và đang tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu của tỉnh thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi.
Tính chung 6 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh phục hồi khá. Trị giá xuất khẩu hàng hóa ước đạt 18.968 triệu đô la Mỹ, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước 3.529 triệu đô la Mỹ, tăng 6,9%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 15.438 triệu đô la Mỹ, tăng 9,2%. Thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 6.478 triệu đô la Mỹ, chiếm 34,2% và tăng 12,8% so với cùng kỳ. Thị trường EU đạt 2.212 triệu đô la Mỹ, tương ứng 11,7% và tăng 10,2%. Hàn Quốc đạt 1.815 triệu đô la Mỹ, chiếm 9,6% và tăng 8%. Nhật Bản đạt 1.808 triệu đô la Mỹ, chiếm 9,5% và tăng 6,6%. Đài Loan đạt 1.429 triệu đô la Mỹ, chiếm 7,5% và tăng 3,3%. Hong Kong đạt 1.397 triệu đô la Mỹ, chiếm 7,4% và tăng 1,6%.
Kết quả đó là nhờ sự tăng trưởng của rất nhiều mặt hàng chủ lực của tỉnh. Mặt hàng có sự tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc trong 6 tháng đầu năm là dệt may. Tháng 6-2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 307,4 triệu đô la Mỹ, tăng 11,3% so với tháng trước. Lũy kế 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.532,4 triệu đô la Mỹ, tăng 7,2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 7,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Theo Hiệp hội Dệt may tỉnh, đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu. Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, các DN dệt may cũng chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa chủ lực của tỉnh sang các thị trường truyền thống luôn giữ vững đà tăng trưởng ổn định. Đồng thời, các ngành cũng tập trung hỗ trợ DN khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Trong đó có việc rà soát, kiến nghị các giải pháp nhằm giảm các loại thuế, phí hoặc đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp giá đầu vào của một số mặt hàng nguyên phụ liệu và chi phí vận tải tăng cao...
Nhiều tín hiệu tốt
PGS-TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) nhận định việc DN duy trì được những thị trường truyền thống lớn và tận dụng khá tốt cơ hội từ các FTA, đã góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng xuất khẩu 2 con số trong 6 tháng năm 2022. Và tạo nền tảng vững vàng để các DN bước tiếp giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách phía trước.
“Tình hình lạm phát ở rất nhiều quốc gia đang có dấu hiệu tăng cao, đặc biệt ở các thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU. Khi lạm phát tăng cao, có thể sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng. Điều đó phần nào có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu, các doanh nghiệp cần theo dõi để có điều chỉnh kịp thời”.
(Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương)
Tín hiệu vui là trong 6 tháng đầu năm dù lượng hàng hóa nhập khẩu giảm song kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt cao, tạo sự cân bằng ở mức tương đối trong cán cân xuất nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 13.272 triệu đô la Mỹ, giảm 0,5% so với cùng kỳ. Riêng tháng 6 năm 2022 ước đạt 2.757 triệu đô la Mỹ, tăng 9,2% so với tháng trước đánh dấu bước trở lại của hoạt động sản xuất.
PGS-TS Phạm Tất Thắng nhận định trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát khiến nhu cầu về tiêu dùng và sản xuất của thế giới đang ngày càng tăng cao, cùng với đó là lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết đã giúp Việt Nam có nhiều lợi thế trong hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất tăng cao. Các đơn vị sản xuất cần tuân thủ và coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng để xuất khẩu nhiều hơn vào các thị trường khó tính, giá trị xuất khẩu cao. DN cũng cần có các biện pháp phòng vệ thương mại bởi hiện nay nhiều quốc gia đang đưa ra hàng rào mới đối với hàng hóa xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.
Ông Nguyễn Nam Quân, Giám đốc hành chính Công ty TNHH Takako Việt Nam (KCN VSIP I), cho biết trong điều kiện hiện nay, việc giữ đơn hàng để giữ vững sản xuất đã là rất tốt. Tuy nhiên, Tatako đến nay cũng đã và đang có nhiều thuận lợi khi đơn hàng đã có đến cuối năm và đặt mục tiêu tăng trưởng 10% là hoàn toàn khả thi. “Chúng tôi cố gắng giữ vững sản xuất, trong khó khăn, thách thức, trách nhiệm về việc bảo đảm đơn hàng, đời sống người lao động càng là nhiệm vụ rất quan trọng. Tín hiệu tốt từ hoạt động xuất khẩu khiến chúng tôi tự tin đạt kế hoạch đề ra trong năm 2022”, ông Quân phấn khởi cho biết thêm.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, cho biết trong 6 tháng cuối năm, xu hướng nổi bật nhất là tình hình dịch bệnh cả ở trong nước và quốc tế về cơ bản đã kiểm soát. Ngay cả Trung Quốc là nước đã thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt với chính sách zero Covid trong suốt thời gian qua, đến thời điểm này cũng bắt đầu nới lỏng ở một số cảng trọng điểm. Điều đó tạo điều kiện cho việc thông thương hàng hóa trên thị trường cũng sẽ dần trở lại ổn định. (còn tiếp)