Xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến giảm: Cơ hội vàng cho 'hạt ngọc trời' của Việt Nam
Dự báo hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến sẽ giảm 15% trong năm nay, do cuộc chiến thu mua lúa gạo để tích trữ trên toàn cầu đã giảm nhiệt.
Dự báo xuất khẩu gạo Thái Lan trong 2024 sẽ suy giảm
Theo Bloomberg, hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến sẽ giảm 15% trong năm nay, do cuộc chiến thu mua lúa gạo để tích trữ trên toàn cầu đã giảm nhiệt.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết quốc gia Đông Nam Á này có thể sẽ ghi nhận nhu cầu nhập khẩu yếu hơn từ Indonesia, đối tác mua gạo hàng đầu của Thái Lan trong năm ngoái. Ông Chookiat Ophaswongse cũng nói rằng, đồng Baht biến động có thể gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Thái Lan với một quốc gia xuất khẩu lúa gạo trong top đầu thế giới là Việt Nam.
Đáng chú ý, số liệu ước tính sơ bộ cho thấy xuất khẩu gạo của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm gần đây, đạt khoảng 8,8 triệu tấn vào năm 2023. Vào tháng 12/2023, giá gạo trắng Thái Lan 5% tấm chạm mốc cao nhất trong 15 năm, sau khi Ấn Độ ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu gạo và thời tiết khô hạn đe dọa hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó trên thị trường thế giới, một số quốc gia cũng tăng cường mua gạo để xây dựng kho dự trữ, trong bối cảnh tác động của El Ninõ được dự đoán sẽ khiến nguồn cung lúa gạo thắt chặt hơn nữa.
Theo đại diện Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, “Indonesia có thể sẽ giảm mua hàng sau cuộc bầu cử tổng thống của nước này vào tháng tới", và “Đồng Baht cũng rất biến động, khiến giá gạo của Thái Lan không có tính cạnh tranh, trong khi vụ mùa mới của Việt Nam triển vọng có vẻ tốt ”.
Nhấn mạnh về vụ đông xuân của Việt Nam, ông Chookiat cho biết, dự kiến thu hoạch vào tháng 2 và tháng 3 năm 2024, sẽ giúp giảm giá thành lúa gạo tại quốc gia này, và thu hút các nhà nhập khẩu khác, ví dụ như Philippines. Nguồn cung lúa gạo từ Ấn Độ cũng có thể được giải phóng sau cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 5, làm dịu đi những lo ngại về nguồn cung toàn cầu.
Ngoài ra, giới chuyên gia nhận định, có 2 nguyên nhân chính khiến giá gạo thế giới tăng mạnh trong năm ngoái. Một là Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và hai là thời tiết khô hạn ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất lúa gạo ở nhiều quốc gia. Do vậy, nhiều quốc gia đã tăng cường mua hàng để xây dựng kho dự trữ trong bối cảnh lo ngại nguồn cung thắt chặt hơn nữa.
Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã chứng kiến sản lượng gạo suy giảm do lượng mưa ít do hiệu ứng El Nino. Nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước và kiềm chế lạm phát giá lương thực, quốc gia đông dân nhất thế giới đã quyết định hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2023 và dự kiến duy trì hạn chế này cho tới ít nhất giữa năm 2024.
Cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024
Về phía Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa cả nước năm 2023 đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9%, do diện tích tăng 10.600 ha (tăng 0,1%) và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha (tăng 1,7%).
Với sản lượng trên, Việt Nam đã áp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, làm thức ăn chăn nuôi và có dư để xuất khẩu. Trong năm 2023, xuất khẩu gạo cao kỷ lục với lượng gần 8,3 triệu tấn để thu về 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.
Năm 2024, với diện tích 7,1 triệu ha gieo cấy, ngành nông nghiệp sẽ thâm canh tăng năng suất để sản lượng lúa đạt từ 43 - 43,5 triệu tấn.
Phía Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn) dự đoán trong nửa đầu 2024, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục khả quan khi lượng tồn kho lúa gạo toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn. Ngoài ra, nhu cầu gạo nhập khẩu của nhiều quốc gia dự kiến sẽ tăng, trong đó có những đối tác lớn của Việt Nam như Indonesia, với dự báo tăng nhập khoảng 600.000 tấn.
Phân tích tình hình thị trường xuất khẩu gạo năm 2024, lãnh đạo Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường cho biết sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Trúc Chi (t/h)