Xuất khẩu gạo năm 2023 dự kiến vượt 7 triệu tấn

Mới qua 5 tháng đầu năm, nhưng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước đã đạt gần 3,9 triệu tấn, thu về 2,057 tỷ USD, dự kiến xuất khẩu gạo năm nay dư sức vượt 7 triệu tấn.

Xuất khẩu gạo nước ta cả năm 2023 dư sức vượt 7 triệu tấn nhờ nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều thị trường gia tăng.

Xuất khẩu gạo nước ta cả năm 2023 dư sức vượt 7 triệu tấn nhờ nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều thị trường gia tăng.

Xuất khẩu gạo là điểm sáng trong bức tranh thương mại của nước ta trong 5 tháng đầu năm 2023.

Trong khi phần lớn các ngành hàng đối mặt đà giảm xuất khẩu kỷ lục thì ngành gạo tăng trưởng ấn tượng, xuất khẩu thành công gần 3,9 triệu tấn, mang về 2.057 tỷ USD tăng 40,8% về lượng và tăng 52% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng đang tạo cơ hội để ngành gạo tăng tốc xuất khẩu.

Cả Indonesia và châu Phi đều công bố lượng nhập khẩu tăng đáng kể so với năm trước, đảm bảo dự trữ lương thực quốc gia. Đơn cử, Indonesia đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Để đáp ứng nhu cầu về gạo ước đạt trên 42,2 triệu tấn trong năm 2023, châu Phi dự kiến nhập khẩu khoảng 17,7 triệu tấn. Chủng loại gạo nhập khẩu chính của các nước châu Phi bao gồm gạo thơm, gạo trắng và gạo tấm. Nguồn cung cấp gạo chính của châu Phi vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào các nước Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam.

Vụ thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương) đánh giá, việc tăng nhập gạo dự trữ của Indonesia đang mở thêm cơ hội cho các nhà xuất khẩu gạo khu vực, trong đó có Việt Nam, vốn nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất.

Ngành gạo đã xác nhận kỷ lục xuất khẩu 7,1 triệu tấn vào cuối năm ngoái, mang về 3,46 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486,2 USD/tấn,.

Tuy chịu nhiều tác động từ những diễn biến của thị trường thương mại gạo thế giới nhưng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường truyền thống với tỷ trọng cao vẫn đạt được tăng trưởng so với năm 2021.

Cụ thể, Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 45,2% tổng lượng và 43,2% tổng trị giá xuất khẩu gạo của cả nước, đạt gần 3,18 triệu tấn với trị giá hơn 1,49 tỷ USD, tăng lần lượt 28,8% và 19% so với năm 2021.

Trung Quốc đứng thứ 2, đạt 834,2 nghìn tấn với trị giá 432,3 triệu USD, giảm 21,3% về lượng và giảm 17,3% về trị giá.

Bờ Biển Ngà đứng thứ 3, đạt 657.000 tấn, trị giá 295 triệu USD), tăng gần 9,4% về lượng và tăng gần 35% về trị giá.

Trong báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục vượt 7 triệu tấn, chủ yếu là do nhu cầu từ một số quốc gia châu Á (Trung Quốc, Indonesia..) gia tăng.

Với dự báo này, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo trong năm 2023 sau Ấn Độ (22,5 triệu tấn) và Thái Lan (8,5 triệu tấn), chiếm 12,7% thương mại gạo toàn cầu.

Vào năm ngoái, diện tích gieo trồng cả nước theo công bố của Bộ NN&PTNT đạt 7,2 triệu ha, năng suất trung bình 60,3 tạ/ha, sản lượng 43,5 triệu tấn thóc, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Riêng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ước sản xuất lúa cả năm đạt 3,88 triệu ha, năng suất bình quân 62,6 tạ/ha; sản lượng đạt 24,2 triệu tấn lúa (sản lượng gạo xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa).

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xuat-khau-gao-nam-2023-du-kien-vuot-7-trieu-tan-d190933.html