Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2022 đạt gần 5,5 tỷ USD
Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2022 đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2022 đạt gần 5,5 tỷ USD. Ảnh: TL
Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 4 năm 2022 đạt 1,5 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2022 đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022 - chiếm 79,3% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong 3 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng tại hầu hết các thị trường, ngoại trừ Trung Quốc (-0,7%) và Đài Loan (-2,4%).
Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), mặt hàng gỗ được đánh giá là ngành hàng phục hồi sản xuất và xuất khẩu nhanh nhất. Ngành hàng xuất khẩu gỗ Việt Nam phấn đấu trong năm 2022 đạt chỉ tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD, trong đó Bình Dương chiếm khoảng 50% do hội tụ nhiều doanh nghiệp lớn.
Hiện nay Hoa Kỳ và châu Âu chiếm 80% thị phần xuất khẩu của Việt Nam và còn dư địa rất lớn để phát triển. Các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vẫn tập trung vào các thị trường mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU). Mặc dù cuộc chiến Nga – Ukraina ngày càng gia tăng, cùng với đại dịch Covid-19 chưa thể chấm dứt, ngành gỗ Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn về sản lượng xuất khẩu.
Tuy nhiên hiện nay, nguồn cung gỗ từ Nga vào Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu, đồng thời Nga chưa phải là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Mặt khác giá vận tải biển, chi phí logistics đang tăng cao dẫn đến giá thành sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn.
Chính phủ Việt Nam nỗ lực cùng các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện để có các cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, đất đai và ứng dụng các khoa học tiên tiến vào sản xuất. Bảo vệ tính pháp lý, thực thi Hiệp định VPA/FLEGT và Luật Lâm nghiệp, hoàn thiện các quy định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam phù hợp với các cam kết, thỏa thuận quốc tế.
Theo các chuyên gia, muốn để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào 3 thị trường chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc nói riêng và các thị trường nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư công nghệ, hạn chế xuất dăm gỗ, gỗ tròn và nguyên liệu mà thay vào đó là hướng mạnh sang gia công các sản phẩm tinh, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra chất lượng sản phẩm để bảo đảm chất lượng, nhất là trong quá trình vận chuyển dài ngày bằng đường biển, tăng hàm lượng chế biến thay vì xuất khẩu hàng thô; phát triển các mô hình liên kết, sản xuất theo chuỗi.../.