Xuất khẩu hàng công nghiệp: Cách nào tận dụng hiệu quả nhất lợi thế từ các FTA?

Các doanh nghiệp cần lưu ý những liên quan đến mã HS, thị trường xuất khẩu, cũng như các FTA mà thị trường các nước đó là thành viên.

Đây là chia sẻ của bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng công nghiệp – Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại buổi Tập huấn “Hỗ trợ, hướng dẫn quy định xuất nhập khẩu hàng công nghiệp đi các thị trường Việt Nam ký kết FTA” do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Văn phòng TBT Việt Nam (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) tổ chức ngày 10/9, tại Hà Nội.

Những lưu ý cho doanh nghiệp xuất khẩu

Chia sẻ về tình huống áp dụng quy định xuất nhập khẩu hàng công nghiệp trong bối cảnh triển khai FTA, bà Trịnh Thị Thu Hiền dẫn chứng, liên quan đến mặt hàng vải (HS 5603), theo quy định về quy tắc xuất xứ của Hiệp định EVFTA có yêu cầu quy định về công đoạn xuyên kim. Tuy nhiên, gần đây, chúng ta có mặt hàng vải không dệt, không có giai đoạn xuyên kim nhưng vẫn hình thành được sản phẩm vải. Nếu đối chiếu với thực tế sản xuất và quy định của Hiệp định thì rõ ràng chúng ta không đáp ứng.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng công nghiệp – Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng công nghiệp – Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Hay với sản phẩm thảm trải sàn được làm từ vải vụn. Vải vụn ở đây được thu gom ở rất nhiều nơi, sau đó được mang về và sản xuất. Việc truy xuất nguồn gốc sẽ khó xác định. Doanh nghiệp sản xuất thảm trải sàn, xuất khẩu sang EU, làm thế nào để chứng minh được hàng này là có xuất xứ từ Việt Nam và được hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA?

Đây là câu chuyện kỹ thuật và có phần hơi phức tạp, nhưng theo bà Hiền, các doanh nghiệp làm thảm trải sàn hay vải không dệt vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA khi xuất khẩu đi thị trường EU.

Áp dụng tỷ lệ linh hoạt cũng là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm nhiều trong thời gian đầu khi triển khai Hiệp định EVFTA. Đến nay, mặc dù câu chuyện này đã khá đi vào nề nếp nhưng đâu đó vẫn còn một số trường hợp áp dụng chưa đúng, chưa chuẩn và có thể có những vấn đề liên quan đến cách hiểu, cách áp dụng ảnh hưởng đến vấn đề được hưởng ưu đãi thuế quan của các mặt hàng xuất khẩu đi EU.

Cụ thể, có những mặt hàng liên quan đến chú giải: “Được áp dụng tỷ lệ phần trăm các nguyên liệu không đáp ứng xuất xứ”. Khi có những chú giải đi kèm cùng nhau, thì những chú giải này sẽ áp dụng chung với cả tiêu chí trên và tiêu chí dưới chứ không phải tỷ lệ linh hoạt chỉ áp dụng với mỗi chú giải dưới.

Một số doanh nghiệp đã gặp vướng mắc khi áp dụng đối với tiêu chí dưới mà bỏ qua việc áp dụng đối với tiêu chí trên, do đó, đã bỏ lỡ một số phương thức tính toán hỗ trợ cho hàng hóa đáp ứng quy định về xuất xứ để được hưởng lợi về ưu đãi thuế quan.

Về phòng vệ ngưỡng đối với hàng hóa xuất khẩu đi thị trường các nước liên quan đến Liên minh kinh tế Á - Âu. Gần đây thị trường này có văn bản liên quan đến quy định về việc một số mã sản phẩm khi xuất khẩu sang thị trường này (chủ yếu là thị trường Nga), khi vượt một ngưỡng nhất định về sản lượng và có thể ảnh hưởng hoặc cạnh tranh với sản phẩm trong nước, cũng như gây những nguy cơ và ảnh hưởng đến việc bảo hộ trong nước thì họ sẽ đưa ra ngưỡng phòng vệ. Những mặt hàng hiện nay đã rơi vào ngưỡng phòng vệ không loại trừ khả năng bên Ủy ban kinh tế Á Âu (EEC) cũng như Nga sẽ đưa những quy định, yêu cầu áp đặt thuế MFN trong WTO thay vì thuế quan ưu đãi, đây là biện pháp phòng vệ ngưỡng mà trong quy định của Hiệp định đã có.

Do đó, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến vấn đề này khi xuất khẩu hàng hóa, bởi nếu hưởng thuế quan ưu đãi từ Hiệp định sẽ là 0% hay 5%, nhưng nếu phải chịu thuế phòng vệ ngưỡng thì sẽ phải chịu thế quan lên tới 20 – 30%.

Với Nghị định thư sửa đổi trong khuôn khổ của EU – EVFTA, bà Hiền cho hay, sẽ có sự chuyển đổi phiên bản mã HS, theo đó, sử dụng phiên bản 2022; bổ sung một dòng về tiêu chí liên quan đến Chương 41, ở đây những doanh nghiệp nào làm da giày liên quan đến mặt hàng da thuộc và da sống thì cần quan tâm; mặt hàng liên quan mã HS 6212; ngôn ngữ diễn đạt của Chương 19. Đây là những nội dung mà Việt Nam và EU đã thống nhất và có hướng dẫn tại các cấp độ văn bản khác nhau, nhưng tại phần sửa đổi Nghị định thư sẽ được cụ thể hóa và có tính ràng buộc pháp lý giữa hai bên cũng như phần hướng dẫn, triển khai sau này được thuận lợi hơn.

Không phải cứ FTA mới là thuế suất thấp

Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia khá nhiều các FTA thì chúng ta có nhiều thuận lợi so với các nước không có các FTA, hàng hóa của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan.

Toàn cảnh buổi tập huấn

Toàn cảnh buổi tập huấn

Tuy nhiên, đây cũng là công cụ để vô hiệu hóa các ưu đãi thuế quan và có thể bị áp dụng một số biện pháp tạm dừng ưu đãi, thậm chí không chỉ với một công ty xuất khẩu, với một mặt hãng xuất khẩu mà đối với toàn bộ ngành hàng của toàn bộ các công ty có sản xuất đến mã HS liên quan đến ngành hàng đó khi xuất khẩu đến nước đối tác. Đây là những quy định khá khắt khe trong một số các FTA thế hệ mới. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến vấn đề này.

“Khi họ phát hiện liên quan đến gian lận và doanh nghiệp không chứng minh được, cơ quan tổ chức của Việt Nam không chứng minh được thì họ sẽ có những biện pháp tạm dừng ưu đãi đối với hàng loạt các mặt hàng có chung mã HS liên quan hoặc cùng với hàng loạt các doanh nghiệp xuất khẩu chung mặt hàng đó sang thị trường đối tác”, bà Hiền nhấn mạnh.

Mặt khác có những trường hợp, một số doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng đi Nhật Bản hay Australia, New Zealand vẫn đang quen sử dụng mẫu CO AANZ trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN, Australia và New Zealand; hoặc sử dụng mẫu CO AJ hay mẫu CO VJ trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP). Nhưng khi được thông báo có các Hiệp định mới ra đời như CPTPP, RCEP, các doanh nghiệp ngay lập tức chuyển hướng và áp dụng các Hiệp định mới.

Tuy nhiên, thuế quan trong Hiệp định mới chưa chắc đã ưu đãi bằng thuế quan trong Hiệp định cũ, bởi thuế quan trong Hiệp định mới đang nằm trên đỉnh dốc trong lộ trình giảm thuế. Còn tại các Hiệp định cũ thì đã ở phía đáy dốc. Mặt hàng nào, thị trường nào, thuế quan tại thời điểm xuất khẩu để có sự áp dụng cho phù hợp.

“Với mặt hàng nông sản xuất khẩu đi Nhật Bản, trong CPTPP có thể là 0% nhưng trong AJCEP, VJEPA có thể là 8% hoặc 5%. Trong khi CPTPP là hiệp định mới ký kết nhưng trong AJCEP, VJEPA đã được ký kết từ lâu rồi”, bà Hiền dẫn chứng. Đây là những điểm mà doanh nghiệp cần lưu ý, liên quan đến mã HS mặt hàng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu, cũng như các Hiệp định mà thị trường các nước đó là thành viên.

“Trong Hiệp định CPTPP, có đến 7 nước đã là đối tác thương mại tại các FTA khác, chỉ có Canada, Mexico, Peru là 3 nước chưa có FTA hay ưu đãi thuế quan nào với Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu với các thị trường này, thì có thể tận dụng các ưu đãi thuế quan từ CPTPP, còn với các thị trường khác, doanh nghiệp có thể lựa chọn các các FTA phù hợp với quy trình sản xuất hay tận dụng được các ưu đãi thuế quan nhiều hơn”, bà Hiền khuyến nghị.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-hang-cong-nghiep-cach-nao-tan-dung-hieu-qua-nhat-loi-the-tu-cac-fta-345029.html