Xuất khẩu hàng hóa: Điểm sáng và cơ hội mới

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục khởi sắc, dù cạnh tranh thương mại toàn cầu đang trở nên gay gắt. Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 31.110 triệu USD, tăng khoảng 25,7% so với tháng 2 năm 2024. Con số ấy phản ánh nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp (DN) trong việc duy trì chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, vượt qua không ít rào cản thương mại ở một số thị trường trọng điểm.

Chỉ số xuất khẩu từ những địa phương chủ chốt

Dữ liệu xuất khẩu của các tỉnh - thành dẫn đầu luôn là chỉ báo quan trọng, phản ánh thực trạng sản xuất và hội nhập kinh tế của cả nước. TP.HCM với kim ngạch xuất khẩu đạt 7.886 triệu USD và tăng trưởng 19,2% so với cùng kỳ, đã giữ vững vị thế là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, chiếm ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu. Thành phố không chỉ là điểm đến của DN sản xuất quy mô lớn mà còn là nơi hội tụ của nhiều DN vừa và nhỏ với sản phẩm đa dạng từ điện tử, cơ khí cho đến dệt may và chế biến thực phẩm. Sự đa dạng của các ngành hàng xuất khẩu đã giúp TP.HCM dễ dàng thích ứng với những thay đổi của thị trường quốc tế.

Hà Nội với kim ngạch xuất khẩu đạt 1.371 triệu USD và chỉ số so sánh cùng kỳ là 118,3%, cho thấy mức tăng nhẹ nhưng ổn định. Dù chiếm tỉ trọng chỉ 4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, Hà Nội vẫn khẳng định vai trò của một trung tâm kinh tế, nơi mà các sản phẩm có giá trị gia tăng cao đang dần được định hình thông qua chuyển đổi số và đổi mới công nghệ.

Bình Dương cũng đóng góp tích cực với kim ngạch xuất khẩu đạt 6.000 triệu USD và chỉ số so sánh cùng kỳ 119,7%, chiếm 19% tổng kim ngạch. Sự phát triển của Bình Dương dựa vào các khu công nghiệp cùng chính sách thu hút đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc mở rộng thị trường quốc tế. Đây là minh chứng cho xu hướng chuyển đổi sản xuất theo hướng công nghệ cao và sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.

Một điểm sáng khác là Đồng Nai với kim ngạch xuất khẩu đạt 2.131,7 triệu USD. Mặc dù tỷ trọng của Đồng Nai chỉ chiếm 7% trong tổng kim ngạch, nhưng mức tăng trưởng 52,86% lại cao hơn rất nhiều so với bình quân cả nước, cho thấy địa phương này đang tăng mạnh các ngành sản xuất. Điều này không chỉ thể hiện cạnh tranh của Đồng Nai trên thị trường quốc tế mà còn là lời nhắc nhở về tiềm năng phát triển khi biết tận dụng ưu thế địa lý và chi phí sản xuất cạnh tranh.

Trái lại, Thái Nguyên lại có xu hướng giảm khi kim ngạch xuất khẩu tuy chỉ xếp sau TP.HCM và Bình Dương nhưng chỉ số so sánh cùng kỳ (chỉ đạt 89,3%, tức giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này có thể là kết quả của những khó khăn trong chuỗi cung ứng, chi phí sản xuất leo thang hoặc sự cạnh tranh khốc liệt từ các địa phương lân cận. Tuy nhiên, Thái Nguyên vẫn giữ tiềm năng nhờ vào nguồn nhân lực dồi dào và những nhà máy có công nghệ cao.

Bảng 1: Số liệu xuất khẩu hai tháng đầu năm 2025 của các tỉnh nhóm đầu Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo kinh tế - xã hội của các tỉnh

Bảng 1: Số liệu xuất khẩu hai tháng đầu năm 2025 của các tỉnh nhóm đầu Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo kinh tế - xã hội của các tỉnh

Tận dụng lợi thế của địa phương dẫn đầu

Điểm sáng của TP.HCM nằm ở việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất và quản lý. Nhiều DN tại Thành phố đã chuyển mình mạnh mẽ nhờ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và internet of things,… vào quá trình sản xuất, từ đó tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả vận hành. Công nghiệp 4.0 không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tăng khả năng cạnh tranh, khi sản phẩm xuất khẩu ngày càng đạt chất lượng cao và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Hạ tầng logistics của TP.HCM cũng là một trong những đóng góp không nhỏ vào thành tích xuất khẩu của Thành phố. Với hệ thống cảng biển hiện đại, sân bay quốc tế và mạng lưới giao thông liên vùng được đầu tư bài bản, TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa ra thị trường quốc tế. Sự hỗ trợ từ chính sách ưu đãi về thuế, tài chính và đầu tư cơ sở hạ tầng từ chính quyền địa phương đã giúp DN giảm bớt gánh nặng chi phí, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Triển vọng xuất khẩu, định hướng phát triển

Để thích ứng với bối cảnh thương mại căng thẳng, TP.HCM cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, không chỉ dựa vào các hiệp định thương mại tự do mà còn phải mở rộng quan hệ kinh tế với đối tác mới. Việc tham gia triển lãm, hội nghị thương mại quốc tế và chương trình giao lưu kinh tế đã và đang tạo cơ hội mở rộng thị trường cho DN. Đồng thời, việc phát triển ngành dịch vụ và vận tải sẽ góp phần giải quyết những thách thức về chuỗi cung ứng, giúp giảm thiểu thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa.

Một yếu tố then chốt khác là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. TP.HCM cần tạo ra môi trường học tập và đổi mới sáng tạo thông qua việc hợp tác giữa DN, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu. Đầu tư vào đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ, quản lý chuỗi cung ứng và marketing quốc tế sẽ giúp DN sớm thích ứng với xu thế toàn cầu hóa và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường.

Nếu các giải pháp về chuyển đổi số, nâng cấp hạ tầng logistics và đào tạo nhân lực được triển khai đồng bộ, TP.HCM có thể mở rộng thị trường sang các khu vực mới đến việc nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu, qua đó góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng căng thẳng, DN Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi mới công nghệ và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để vượt qua rào cản mới. Những thách thức từ biến động giá nguyên liệu, chi phí sản xuất leo thang và áp lực từ quy định khắt khe về kỹ thuật đòi hỏi DN phải linh hoạt và thích ứng nhanh. Nếu có những chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía Chính phủ và sự nỗ lực không ngừng của DN, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục mở ra, không chỉ duy trì đà tăng trưởng mà còn đạt được những bước đột phá về chất lượng và giá trị gia tăng.

Tuấn Kiệt

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/xuat-khau-hang-hoa-diem-sang-va-co-hoi-moi-317009.html