Xuất khẩu hàng hóa sang EU đối mặt nhiều thách thức mới

Việc Liên minh châu Âu (EU) siết chặt những quy định an toàn sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng thủy sản, dệt may Việt Nam đòi hỏi DN phải tuân thủ luật chơi tiêu chuẩn cao nếu muốn xuất khẩu bền vững sang thị trường khó tính, giá trị cao này.

Siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu

Từ ngày 3/5/2022, các DN xuất khẩu thủy sản sẽ áp dụng ngưỡng dư lượng tối đa thủy ngân mới của Ủy ban châu Âu (EC). Theo đó, dư lượng thủy ngân có trong thủy sản dao động từ 0,3 – 1μg/kg (0,3 – 1 microgram/kg) tùy loại sản phẩm. Đối với các sản phẩm đã có mặt trên thị trường, sản phẩm sẽ được tiêu thụ đến hết hạn sử dụng của sản phẩm.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh minh họa

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh minh họa

Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, hiện nay, tính bền vững của thủy sản cũng là một xu hướng đang phát triển ở châu Âu và đang dần được đưa vào các hệ thống quản lý trong tương lai.

Điều này có nghĩa, theo thời gian, EU sẽ thắt chặt hơn việc sử dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất có trách nhiệm với xã hội và môi trường đối với thủy sản nhập khẩu vào EU.

Trong lĩnh vực dệt may, quy định mới của EU yêu cầu hàng dệt may vào thị trường này phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Để đạt được tiêu chuẩn đó, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực kiểm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm, đối với sản phẩm dệt may xuất khẩu sang thị trường EU, nhà nhập khẩu có thể đòi hỏi các yêu cầu mà nhà xuất khẩu buộc phải có.

Đơn cử như yêu cầu liên quan đến an toàn sản phẩm, sử dụng hóa chất nhằm hạn chế việc sử dụng hóa chất trong quần áo và đồ trang trí, bao gồm một số thuốc nhuộm, chất chống cháy, hóa chất chống thấm, chống ố và niken. Hay yêu cầu đảm bảo sản phẩm tuân thủ Chỉ thị an toàn sản phẩm chung của Liên minh châu Âu (GPSD: 2001/95/EC).

Dây chuyền sản xuất của Tổng Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải

Dây chuyền sản xuất của Tổng Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải

Đáng lưu ý, trong thời gian tới, xu hướng nhà nhập khẩu sẽ yêu cầu nhà xuất khẩu phải đáp ứng nhiều hơn các vấn đề liên quan tới truy xuất nguồn gốc nguyên liệu; sử dụng nhiều vật liệu tái chế hoặc tái sinh hơn; giảm lượng khí thải carbon và việc sử dụng hóa chất của sản phẩm; đo lường tác động môi trường của quá trình sản xuất và đảm bảo mức lương đủ sống và môi trường làm việc an toàn cho nhân viên của nhà máy.

Nâng chất lượng, xanh hóa sản phẩm

Đưa ra khuyến cáo đối với các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Tham tán Thương mại Việt Nam tại thị trường Bắc Âu Nguyễn Thị Hoàng Thúy khuyến cáo: “Mặc dù nhu cầu tiêu thụ và giá bán thủy sản có xuất xứ từ Việt Nam tại thị trường EU đều tăng, song xu hướng tiêu thụ thủy sản tại châu Âu cũng yêu cầu các chứng nhận rất rõ ràng, minh bạch, trung thực và chính xác. Nếu gian lận thì hậu quả sẽ rất nghiêm khắc và ảnh hưởng lâu dài. Vì vậy, các DN cần hết sức chú ý để giữ vững uy tín”.

Đối với ngành dệt may, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, muốn tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu, đòi hỏi DN phải tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Trước hết, ngành dệt may phải thay đổi kịp thời để đáp ứng quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại các thị trường khó tính. Bản thân mỗi DN phải đầu tư cơ sở hạ tầng đạt chuẩn mực theo yêu cầu của nhãn hàng.

Hiện, ngành dệt may Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 60% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, do đó, chỉ cần vải nhập khẩu từ Trung Quốc được xác định có sử dụng nguồn bông từ Trung Quốc sẽ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ và EU.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, các DN dệt may cần chủ động, đa dạng hóa nguồn hàng để ổn định sản xuất cũng như kết hợp với nhà cung cấp tìm các nguồn hàng thay thế nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Mặt khác, DN cần tập trung nghiên cứu, tăng năng suất thông qua việc đầu tư về quản trị, thiết bị công nghệ, định hướng xanh hóa sản phẩm, bảo đảm thời gian đối với những đơn hàng giao nhanh. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để DN mở rộng thị trường, nguồn hàng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Điều đáng mừng là đa số DN Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn đã tiếp nhận và từng bước đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe trong sản xuất, cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải mà thị trường EU yêu cầu.

Phó Chủ tịch Thường trực kiểm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xuat-khau-hang-hoa-sang-eu-doi-mat-nhieu-thach-thuc-moi.html