Xuất khẩu hàng hóa: Tiến mạnh vào thị trường tiềm năng
Trong lúc khó khăn về thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp cần 'nắn' lại các thị trường truyền thống, đồng thời tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, nỗ lực xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng các thị trường mới giàu tiềm năng...
Mở rộng, khai thác thị trường lớn
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mới vào đầu vụ nhưng lượng vải thiều của Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường giá trị cao với những tín hiệu rất khả quan. Ngay trong tuần đầu tháng 6 (từ ngày 3-7/6), đã có gần 100 tấn vải thiều xuất khẩu sang các thị trường Anh, EU. Riêng Nhật Bản, gần 40 tấn vải thiều được xuất khẩu thành công sang thị trường này.
Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, ngày 15/6 vải thiều Bắc Giang lần đầu tiên sẽ xuất khẩu sang thị trường Australia khoảng 3 tấn.
Được biết, để gia tăng sản lượng vải thiều xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vải đã chủ động vào cuộc từ rất sớm, chuẩn bị chu đáo các phương án xuất khẩu.
Dù vậy, sản lượng vải thiều xuất khẩu đến các thị trường khó tính vẫn còn khá khiêm tốn. Theo các chuyên gia, vải thiều còn nhiều dư địa tại thị trường Mỹ. Nhóm khách hàng chính hiện nay là cộng đồng dân cư gốc Á và đặc biệt là cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, tập trung tại các đô thị, thành phố lớn ở Mỹ.
Nhiều ngành hàng nông sản xuất khẩu cũng có những tín hiệu tích cực trong các tháng đầu năm. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý I/2023 đạt 552.610 tấn, tăng 36,3% về lượng và tăng 31,1% về trị giá so với quý IV/2022. Dự báo quý II/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có khả năng sẽ phục hồi trở lại nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê của khu vực châu Âu tăng. Giá cà phê Robusta duy trì ở mức cao do nguồn cung hạn chế.
Xuất khẩu hạt tiêu cũng có những điểm sáng. Theo đó, trong quý I/2023 xuất khẩu ngành hàng này đạt 76.200 tấn, trị giá 233,45 triệu USD, tăng 41,1% về lượng, so với quý I/2022 tăng 40,3% về lượng và tăng 16,5% về trị giá. Dự báo quý II/2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ khả quan nhờ nhu cầu tăng cao từ các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Thổ Nhĩ Kỳ... bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu vẫn trầm lắng của thị trường Hoa Kỳ và EU.
Trong số các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc đang giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Trung Quốc được đánh giá là thị trường tiêu thụ chủ lực đa dạng mặt hàng của Việt Nam, gần gũi về địa lý, thuận tiện trong thông thương, vẫn là thị trường còn nhiều điểm sáng, nhiều dư địa, dự báo với nhiều kỳ vọng cho các đơn hàng trong những quý tiếp theo.
Cầu nối thương vụ
Mặc dù tháng 5/2023 hoạt động xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu phục hồi khá tích cực với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước, song tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy, xuất khẩu vẫn đối diện không ít khó khăn.
TS. Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Quản lý khoa học và đào tạo, Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) cho rằng, trong lúc khó khăn về thị trường xuất khẩu, DN cần “nắn” lại các thị trường truyền thống. Đồng thời, cần tiếp tục tận dụng tốt các FTA đã được ký kết, nỗ lực xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường mới giàu tiềm năng như: Bắc Âu, Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi và Mỹ La tinh.
Trong đó, giới chuyên gia nhấn mạnh, các FTA cũng cần được DN quan tâm, khai thác hiệu quả hơn. Bà Trần Thu Quỳnh, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, từ sau khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu hầu hết các lĩnh vực mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến đều tăng. Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, nhiều sản phẩm của khu vực công nghiệp nội địa có mức tăng vượt bậc, chứng minh tác động tích cực của CPTPP đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu đánh giá tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của Việt Nam mới đây cho thấy tiềm năng mà hiệp định này mang lại chưa được khai thác hết.
Nhận định về bức tranh xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần thiết phải mở rộng kết nối, trao đổi thường xuyên với hệ thống các thương vụ, văn phòng xúc tiến Việt Nam ở nước ngoài. Các thương vụ, tổ chức hỗ trợ thương mại nước ngoài không chỉ cung cấp thông tin mà còn kết nối các hoạt động xúc tiến thương mại cụ thể. Đây chính là những đối tác, cầu nối không thể thiếu, nhất là khi các hoạt động xúc tiến thương mại vươn ra thị trường thế giới.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết, hàng Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang UAE do nhu cầu tiêu dùng cao. Tuy nhiên, UAE là thị trường cạnh tranh rất khốc liệt về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là giá cả, do đó DN cần có chiến lược tiếp cận phù hợp.
Về thị trường Bỉ và EU, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại tại Bỉ và EU cho hay, năm 2023 thị trường EU được dự báo có nhiều thách thức, tuy nhiên theo lộ trình cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, năm nay nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU về được hưởng mức thuế 0%. Đây chính là động lực cho Việt Nam tăng xuất khẩu sang EU.
“Để xuất khẩu bền vững và mở rộng thị trường, các doanh nghiệp ngay từ khi bắt tay vào sản xuất đều phải trả lời được câu hỏi: Làm cái gì để bán, bán cho ai, giá bao nhiêu? Đã đến lúc phải thay đổi phương thức, thay đổi từ quan điểm, chủ trương cho đến tổ chức sản xuất phải theo tín hiệu thị trường. Tất cả những sản phẩm làm ra đều phải có địa chỉ, đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện của một thị trường” - Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.