Xuất khẩu hành tím gặp khó do sức mua của thị trường suy giảm

Xuất khẩu hành củ 2 tháng đầu năm 2023 mới chỉ đạt 240 tấn, không đáng kể so với sản lượng hành 200.000 tấn. Trong khi, thời điểm tháng 3 các vựa hành và cây gia vị ở các tỉnh miền Nam bước vào giai đoạn thu hoạch, khiến áp lực tiêu thụ căng thẳng…

Hành tím Sóc Trăng đã có thương hiệu tại nhiều thị trường.

Hành tím Sóc Trăng đã có thương hiệu tại nhiều thị trường.

Ngày 17/3/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành tím”.

Chủ trì diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định hành là sản phẩm lợi thế của rất nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi... với tổng sản lượng hàng năm trên 200.000 tấn. Thời điểm tháng 3 các vựa hành ở miền Nam bước vào giai đoạn thu hoạch, do đó, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng cao hơn bao giờ hết.

XUẤT KHẨU HÀNH NĂM 2022 TĂNG GẤP 3,6 LẦN NĂM 2021

“Tuy nhiên, theo thống kê, các tháng đầu năm 2023, sức mua của thị trường đang có xu hướng giảm, dẫn tới công tác tiêu thụ hành tím dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn”, Thứ trưởng Nam nói.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết theo số liệu từ Hải quan, xuất khẩu củ hành 2 tháng đầu năm 2023 mới đạt 240 tấn, đây là một con số rất nhỏ so với sản lượng hành 200.000 tấn/năm. Do đó, thông qua Diễn đàn, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các Tham tán Việt Nam ở nước ngoài sẽ giúp mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm hành.

Một điểm cầu của Diễn đàn.

Một điểm cầu của Diễn đàn.

Đại diện Cục Trồng trọt cho biết tổng diện tích sản xuất hành cả nước khoảng 14 - 15 nghìn ha, tập trung tại các tỉnh: Sóc Trăng, Hải Dương, Ninh Thuận, Quảng Ngãi... Trong đó, diện tích trồng hành tại Hải Dương đạt 5.700 ha chủ yếu là hành trắng vỏ đỏ vói sản lượng 110 nghìn tấn và tại Sóc Trăng là 6.500 ha chủ yếu là hành tím với sản lượng khoảng 90 nghìn tấn.

"Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2022 là hơn 17 triệu USD, chưa kể kim ngạch của Đài Loan thêm 6,6 triệu USD nữa. Các thị trường xếp sau đó là Ấn Độ, Hoa Kỳ, Lào, Nhật Bản, Myanmar…"

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Đại diện Cục Trồng trọt chia sẻ một số khó khăn trong sản xuất hành hiện nay như manh mún, khó truy xuất nguồn gốc, thiếu tính liên kết; giá bán biến động, diện tích sản xuất có chứng nhận hạn chế, khó kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm; thiếu quy trình bảo quản, dẫn đến một số thời điểm thu hoạch rộ, bán hàng tươi số lượng lớn, dẫn đến giá xuống thấp; thiếu kênh liên kết tiêu thụ, và vấn đề sâu bệnh.

Thông tin về khâu tiêu thụ hành, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho hay năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hành, hẹ, tỏi của Việt Nam đạt khoảng 31,2 triệu USD, tăng gần 360% so với năm 2021. Trong đó đa phần là đi các thị trường châu Á, chiếm hơn 90%, sau đó là châu Mỹ, châu Âu và châu Úc.

HÀNH TÍM SÓC TRĂNG ĐANG VÀO VỤ, CẦN KẾT NỐI TIÊU THỤ

Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết hành tím là một trong những cây trồng đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, với diện tích xuống giống hành tím 6.500 ha, năng suất bình quân 18 tấn/ha, sản lượng trên 90.000 tấn. Trong đó, diện tích trồng hành tím theo hướng hữu cơ (áp dụng quy trình sản xuất an toàn, tăng cường sử dụng phân hữu cơ giảm phân hóa học) hơn 1.150 ha.

Hành tím Vĩnh Châu được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Indonesia, Malaysia,… đem về nguồn thu nhập đáng kể cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu.

Tuy nhiên, hành tím Vĩnh Châu trong thời gian qua đã và đang gặp phải những khó khăn ở khâu sản xuất và tiêu thụ do thời vụ bố trí chưa hợp lý tại một thời điểm xuống giống tập trung với một diện tích lớn nên sản lượng tại một thời điểm tương đối cao.

"Nông dân trồng hành tím ở Sóc Trăng còn mang nặng tâm lý chờ giá, khi giá thỏa thuận hợp lý với doanh nghiệp vẫn không bán dẫn đến khi giá giảm mạnh thì dẫn đến tình trạng tồn đọng".

Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng.

Nông dân còn sản xuất riêng lẻ chưa hình thành hợp tác trong sản xuất dẫn đến mối liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp, nông dân và doanh nghiệp chưa bền vững.

Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật được dựng lên từ các đối tác; quảng bá và sử dụng nhãn hiệu hàng hóa chưa phát huy được hiệu quả; lượng hành nhiều vào mùa vụ chính nên bị thương lái ép giá. Ngoài ra, thời gian lưu trữ hành không được kéo dài vì thiếu kho trữ và công nghệ sau thu hoạch; chưa khai thác hiệu quả thị trường trong nước.

Về tình hình tiêu thụ hành tím, ông Khiêm thông tin mùa vụ 2022 – 2023, trước Tết Nguyên đán, giá hành tím thương phẩm dao động từ 38.000 – 45.000 đồng/kg chủ yếu là hành sớm (tương đương với giá hành năm trước). Sau Tết giá hành bắt đầu giảm, tính đến hiện nay giá hành dao động từ 15.000 – 26.000 đồng/kg.

“Hiện tại là thời điểm hành bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, do đó, với sản lượng lớn, Sóc Trăng mong được phát triển liên kết tiêu thụ sản phẩm với tất cả các địa phương, doanh nghiệp, siêu thị... trên cả nước. Tỉnh Sóc Trăng sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hành phát triển các chuỗi liên kết để khai thác hết tiềm năng của sản phẩm hành tím”, ông Khiêm nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thông tin, hiện tỉnh có diện tích chuyên canh trồng hành khoảng 300 ha, tương đương diện tích canh tác hàng năm xấp xỉ 1.000 ha/năm, với sản lượng đạt khoảng 15.000-20.000 tấn/năm.

Vì vậy, ông Dinh mong muốn các doanh nghiệp, các cấp có thể nắm bắt tình hình và quan tâm, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đầu tư liên kết chế biến đối với hành nói chung và các đối tượng rau khác góp phần ổn định đầu ra sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân của huyện.

Bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương thông tin hiện Hải Dương đã kết thúc vụ hành, tuy nhiên, sản xuất tiêu thụ hành của Hải Dương vẫn gặp nhiều khó khăn ở khâu chế biến và bảo quản. Hình thức bảo quản chủ yếu là thủ công, chưa có hệ thống kho bảo quản hiện đại nên tỷ lệ hoa hụt cao. Việc xây dựng chuỗi vẫn còn hạn chế, chủ yếu tiêu thụ trong nước, thiếu tính ổn định…

Vì vậy, bà Đào đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan, quan tâm, hỗ trợ Hải Dương đầu tư xây dựng hệ thống sấy và bảo quan hành sau thu hoạch, giảm áp lực cho tiêu thụ tươi.

Trước những bất cập khó khăn trong tiêu thụ hành tím, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng cần có những vùng sản xuất tập trung, định hướng sản xuất theo tín hiệu thị trường với những quy trình an toàn, chất lượng.

Để phát triển thị trường, nhà sản xuất, xuất khẩu cần nghiên cứu thị hiếu, quy định của thị trường nhập khẩu để định hướng sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu. Thêm vào đó, các nhà sản xuất cũng cần lưu ý đến chế biến để tăng giá trị, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh liên kết để xây dựng các chuỗi giá trị cho ngành hàng.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xuat-khau-hanh-tim-gap-kho-do-suc-mua-cua-thi-truong-suy-giam.htm