Xuất khẩu lao động: Giải pháp hiệu quả giải quyết việc làm và giảm nghèo

Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Nhận thấy từ điều này, những năm gần đây, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động.

Vườn dừa kết hợp với nuôi cá, gà tạo sinh kế cho gia đình ông Trần Văn Cạy, ấp Ba Se B, xã Lương Hòa.

Vườn dừa kết hợp với nuôi cá, gà tạo sinh kế cho gia đình ông Trần Văn Cạy, ấp Ba Se B, xã Lương Hòa.

Thời gian gần đây công tác xuất khẩu lao động ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành có nhiều khởi sắc, hàng năm xã có khoảng 10 lao động xuất cảnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, xã có 05 lao động đã xuất cảnh sang thị trường Nhật Bản. Các lao động đi làm việc ở nước ngoài có lương ổn định, thu nhập gửi về phụ giúp gia đình hàng tháng từ 15 - 30 triệu đồng để xây dựng nhà cửa khang trang, đầu tư chăn nuôi và trồng trọt, góp phần nâng cao đời sống kinh tế gia đình.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Văn Cạy, ấp Ba Se B, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành. Gia đình ông có 05 người con, trong đó có 02 người con đi làm công nhân trong nước; con gái Trần Thị Hồng Nhung đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ông Cạy chia sẻ: gia đình đông con, kinh tế chủ yếu dựa vào 0,3ha vườn dừa và gói bánh tét. Khoảng 05 năm trước, người con thứ Tư bị tai nạn giao thông, ông phải bán đất trồng lúa và đi vay mượn khắp nơi để chữa trị cho con. Hiện nay, người con này đã khỏe mạnh và đi làm thuê phụ giúp gia đình. Từ vụ tai nạn đó, gia đình ông rơi vào hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, các con đi làm thuê gửi tiền về không đủ trả nợ. Để giúp gia đình vượt qua khó khăn, ông Cạy đã vay gần 250 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn vay bên ngoài để tạo điều kiện cho con gái học tập và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và đã xuất cảnh được 08 tháng. Với nghề sửa chữa ô-tô ở nước ngoài, Hồng Nhung thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/tháng, tiền con gái gửi về phần nhiều ông trả nợ. Hiện vợ chồng ông tiếp tục chăm sóc canh tác 0,3ha dừa và gói bánh tét bán. Hiện nay, dừa lên giá 55.000 đồng/chục (12 trái) nên thu nhập khoảng 01 triệu đồng/tháng; bánh tét gói khoảng 70 đòn/ngày cho lợi nhuận vài trăm ngàn đồng.

Cầu Ngang là một trong những huyện có người trong độ tuổi lao động đi xuất khẩu lao động nhiều nhất trong tỉnh. Trung bình mỗi lao động tham gia xuất khẩu lao động gửi tiền về nước từ 15 - 20 triệu đồng/tháng, một số lao động làm việc ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… gửi về từ 20 - 30 triệu đồng/tháng. Phần lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập ổn định, cao hơn mức lương ở trong nước. Hầu hết lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi hết hạn về nước có cuộc sống ổn định, có một số lao động tiếp tục gia hạn hợp đồng để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, người lao động sau khi về nước đã tích lũy được nhiều kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, công nghệ và sản xuất chế tạo. Do vậy nhiều lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước xin vào làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một bộ phận lao động dùng tiền tích lũy đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn làm nông nghiệp.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Thạch Thị Hai, ấp Sóc Giụp, xã Long Sơn, ngôi nhà khang trang, rộng rãi với màu sơn còn mới. Bà Hai chia sẻ: khi vợ chồng tôi còn khỏe mạnh đi làm thuê tích cóp được tiền xây căn nhà này. Sau khi chồng bà là ông Thạch Quyền bị tai nạn giao thông mất sức lao động cuộc sống càng khó khăn hơn. Do đó, bà mạnh dạn vay vốn ngân hàng cho con gái đi xuất khẩu lao động. Hàng tháng con gái gửi tiền về ngoài trả nợ ngân hàng bà đầu tư sửa chữa, mở rộng nhà cửa nên căn nhà mới được khang trang như hiện nay. Ngoài ra, hàng ngày bà còn đi làm thuê kiếm thêm thu nhập và tận dụng đất xung quanh nhà trồng cỏ nuôi 02 con bò sinh sản để chồng bà chăm sóc. Sau tai nạn giao thông, tuy không còn sức khỏe lao động nặng nhọc như trước, nhưng cắt cỏ, cơm nước trong nhà ông vẫn làm được.

Đồng chí Lâm Văn Dũng, Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cầu Ngang cho biết: hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần rất lớn vào công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo tại địa phương. Vì thế, hàng năm công tác đưa người lao động, học sinh, sinh viên đi lao động, học tập và làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn luôn được quan tâm, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu lao động. 05 năm gần đây, trên địa bàn huyện đã đưa 367 lao động đi làm việc tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan, trong đó có 87 lao động dân tộc Khmer. Hiện nay gia đình của những lao động này có cuộc sống ổn định, kinh tế ngày càng phát triển bền vững. Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho 79 hộ có con em đi xuất khẩu lao động tiếp cận vốn vay trên 5,2 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ gần 61 tỷ đồng giúp 213 hộ vay.

Theo chỉ tiêu giao năm 2023, trên địa bàn huyện có 118 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước người, đến nay đã xuất cảnh 68 lao động, trong đó có 29 hộ vay đủ tiền để cho con xuất cảnh. Căn cứ vào chỉ tiêu tỉnh giao, huyện chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch triển khai và phối hợp với doanh nghiệp tuyên truyền, tư vấn cho người lao động chọn ngành nghề, thị trường lao động phù hợp với khả năng và nguyện vọng.

Ngoài ra, huyện đẩy mạnh công tác vận động lực lượng lao động giới thiệu cho các trường dạy nghề chủ yếu tổ chức các lớp dạy nghề trình độ sơ cấp và ngắn hạn phù hợp với trình độ học vấn của lao động theo hướng đa ngành nghề cơ bản trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền các thông tin về thị trường lao động, phong tục tập quán, chính sách của các nước mà lao động sẽ đến làm việc, tạo điều kiện cho lao động có nhu cầu đi xuất khẩu, nhất là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/xuat-khau-lao-dong-giai-phap-hieu-qua-giai-quyet-viec-lam-va-giam-ngheo-29382.html