Xuất khẩu lao động: Hướng đến thị trường có thu nhập cao
Năm 2025 bên cạnh những thị trường truyền thống đang dần đi vào ổn định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt như: Cộng hòa Liên bang Đức, Hy Lạp, Ba Lan, Phần Lan...
Mở rộng hướng đi
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), sau 3 năm thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), công tác xuất khẩu lao động đã có những chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp và liên tục đạt được những thành tựu mới. Trung bình mỗi năm, Việt Nam đưa khoảng 150.000 lao động đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau.
Các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động cũng đã có sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, đảm bảo công tác đào tạo lao động trước khi phái cử. Nhiều doanh nghiệp hướng tới các thị trường có yêu cầu cao hơn về tay nghề và chất lượng lao động, qua đó nâng cao vị thế của lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Với những nền tảng đạt được trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết, khi các thị trường truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc… đang dần đi vào ổn định, Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển các thị trường mới. Hiện, Việt Nam đã thỏa thuận và dự kiến ký kết đưa lao động sang làm việc ở một số nước như: Đức, Hy Lạp, Phần Lan, Ba Lan và một số quốc gia Bắc Âu.
“Thời gian tới sẽ tìm kiếm thêm thị trường mới, mở rộng sang châu Âu vì điều kiện làm việc, thu nhập tốt. Hiện, nhiều nước tại khu vực này đang có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam, nhất là ngành nông nghiệp. Đồng thời, mở rộng theo hướng đi vào đào tạo những ngành nghề chuyên môn chất lượng cao, có năng suất, thực sự là nơi bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và tác phong công nghiệp” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin.
Trước đó, giữa tháng 1/2025, Việt Nam và Phần Lan đã ký Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ đi làm việc tại Phần Lan. Tiếp theo, sẽ hướng đến ký Bản ghi nhớ với Ba Lan, Hy Lạp… Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với Đức, trong đó có Diễn đàn Lao động Việt Nam với Đức, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức.
Ngày 15/1 vừa qua, Bộ LĐTBXH đã ủy quyền Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước Tống Hải Nam ký kết Bản ghi nhớ hợp tác lao động với Thống đốc tỉnh Mie (Nhật Bản) Katsuyuki Ichimi. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, giúp thúc đẩy việc đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và đảm bảo quyền lợi cho thực tập sinh, lao động kỹ năng đặc định Việt Nam tại Nhật Bản. Bản ghi nhớ dự kiến có hiệu lực từ năm 2027 sẽ tạo cơ sở pháp lý bền vững, lâu dài cho quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.
Nâng chất nguồn nhân lực
Thị trường Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cũng rất tiềm năng đối với lao động Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đang tích cực phối hợp với các cơ quan triển khai nhiều giải pháp, để trong thời gian tới lao động Việt Nam được tiếp nhận sang làm việc tại UAE.
Dự kiến, trước mắt có thể đưa 10.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại UAE, nhất là lao động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao, phần mềm, máy tính... Theo Bộ LĐTBXH với lao động chất lượng cao, thu nhập của lao động Việt Nam tại thị trường này có thể lên đến 200.000 USD/năm/người.
Với thị trường Australia, ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết từ năm nay, phía Australia sẽ tiếp nhận khoảng 1.000 lao động mỗi năm, mức lương cơ bản chưa trừ chi phí sinh hoạt mỗi tháng khoảng 3.200-4.000 AUD (tương đương 52,8-66 triệu đồng). Theo ông Hương, nếu một lao động trở về thì doanh nghiệp tiếp tục đưa lao động khác sang để bổ sung nhằm đảm bảo luôn có 1.000 lao động Việt Nam làm việc tại thị trường Australia.
Cùng với sự nỗ lực từ phía ngành chức năng hiện nay các doanh nghiệp cũng nỗ lực khai thác thị trường mới như Pháp, Phần Lan, Đan Mạch, Tây Ban Nha. Các công ty xuất khẩu lao động không chờ Chính phủ hai nước có thỏa thuận hợp tác mới đưa đi mà rất chủ động trong tìm kiếm đối tác. Điều này, giúp mở ra nhiều cơ hội, lựa chọn mới cho lao động với tiền lương, chế độ, phúc lợi tốt hơn.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi từ nhu cầu của các thị trường lớn theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, việc phát triển thị trường xuất khẩu lao động cũng tồn tại một số khó khăn. Trong đó, một số thị trường mới đòi hỏi trình độ ngoại ngữ cao, đặc biệt là các nước châu Âu như Đức, Áo… đều yêu cầu trình độ ngoại ngữ B1, B2 khung châu Âu. Thị trường Nhật Bản cũng yêu cầu người lao động phải đạt trình độ tiếng Nhật nhất định… Trong khi đó, đây lại là điểm yếu của lao động Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn nguồn lao động cũng đối mặt với không ít khó khăn. Ngoài ra, một bộ phận nhỏ người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa chấp hành tốt kỷ luật lao động, trong đó có thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản… Do đó, hiện nay Bộ LĐTBXH chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp phải tuyển chọn kỹ và đào tạo bài bản.