Xuất khẩu 'món quê' ra thị trường nước ngoài

Nhiều người nghĩ rằng, những món ăn bình dân như cà pháo, mắm tôm, cơm cháy… vào siêu thị đã khó chứ nói gì đến chuyện xuất khẩu. Ấy vậy mà không ít doanh nghiệp Việt Nam đã làm được và còn bán khắp thế giới.

Sản xuất bánh lọc, bánh nậm xuất khẩu tại Công ty Sông Hương.

Sản xuất bánh lọc, bánh nậm xuất khẩu tại Công ty Sông Hương.

Tại phiên chợ nông sản tổ chức gần đây ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Bích Thủy (40 tuổi, quê Ðồng Tháp) bày đủ các món ăn lạ mắt như bánh chuối phồng kết hợp với hạt đậu phộng, hạt điều, hạt mè hay các loại trái cây (sầu riêng, khóm)… thu hút khá đông thực khách đến thưởng thức, chọn mua. Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát tâm sự, từ trái cây tươi có sẵn ở quê mình, chị biến tấu thành bánh khóm (thơm) cuộn, bánh mãng cầu cuộn, bánh me cuộn, sen kẹp thơm theo công thức riêng do bà ngoại và mẹ truyền cho. “Lúc đầu mình chỉ làm ăn chơi, nhưng nhiều người thấy ngon nên gợi ý kinh doanh.

Sau thời gian đưa ra thị trường, các sản phẩm này không chỉ phủ khắp các kênh bán hàng trực tiếp và trực tuyến trên cả nước mà còn được xuất khẩu sang Ðài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Campuchia…”-chị Thủy cho biết. Ngoài các sản phẩm nêu trên, chị còn hợp tác với một số xưởng phân phối thêm các sản phẩm khô từ gạo, như bánh canh ống chùm ngây, bánh canh ống gạo lứt, bánh canh ống khoai lang, bún gạo lứt, nui, phở, mì Quảng. Cùng với đó, chị còn xuất khẩu ống hút làm bằng bột gạo, bằng cỏ sang Ðức.

Không giấu được niềm vui khi những món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh lọc, bánh nậm, cà pháo lên men, dưa mắm… được khách hàng nước ngoài yêu thích và đặt hàng với số lượng lớn, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods), ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn bộc bạch: “Cà pháo, bánh nậm… đều là những món ăn truyền thống của Việt Nam, tôi ước nguyện sẽ đưa ẩm thực quê hương ra khắp thế giới”. Chia sẻ về cơ duyên đưa bánh lọc, bánh nậm đến Mỹ, ông Tuấn cho biết, thường có thói quen tặng thêm sản phẩm cho khách mua hàng.

Giữa năm 2022, khi tặng kèm bánh nậm, bánh lọc cấp đông cho khách hàng ở Mỹ, ngay sau đó họ liền đặt hàng nghìn bánh, rồi lại tiếp đơn hàng lớn khác. Mới đây, thêm lô hàng khác với cả nghìn cái bánh nậm, bánh lọc đã xuất cảng. “Chúng tôi đã ký hợp đồng rất lớn để cung cấp bánh cho thị trường Mỹ. Tuy nhiên, do số lượng đặt hàng quá lớn, chúng tôi quyết định đầu tư thêm nhà máy ở thành phố chỉ sản xuất riêng bánh lọc, bánh nậm với công suất 600.000 bánh/tháng. Ngoài Mỹ, bánh được khách hàng Nhật Bản, Australia, Ðài Loan (Trung Quốc)... đặt với số lượng nhiều” - ông Tuấn chia sẻ thêm.

Món cơm cháy chà bông giòn rụm, thơm ngon nếu như trước đây chỉ bán ở vỉa hè, ven đường thì nay, cô gái 9X Nguyễn Thu Hà cùng cộng sự đã làm cho món ăn chơi này một diện mạo mới. Cơm cháy được bày trong khay, lồng túi nhựa hút chân không và đóng hộp sang trọng, đẹp mắt với cái tên thật dễ thương: Cơm cháy cười-Smile. Ðiều đặc biệt, món ăn chơi đường phố này còn được cấp “visa” đi Nhật Bản. “Em muốn đưa món cơm cháy thơm ngon, chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn.

Hiện, sản phẩm đã có mặt tại hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất cả nước. Mới đây, sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và đã xuất khẩu đi Nhật Bản. Ðây là niềm vui lớn, cũng chính là động lực để chúng em không ngừng cải tiến sản phẩm, xuất khẩu thêm sang nhiều thị trường mới” - Thu Hà kỳ vọng.

Nâng niu từng sợi bún, phở khô làm từ các loại đậu ngũ cốc, thanh long ruột đỏ, lá bồ ngót… chuẩn bị đưa vào cửa hàng, siêu thị của Anh, Nhật Bản, Hà Lan…, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Khánh Hà (Khánh Hà Food) Trương Thị Hồng Hà tâm sự: “Giấc mơ đưa bún, phở Việt ra thế giới của tôi đã trở thành hiện thực. Tôi rất mừng và tự hào vì góp thêm một sản phẩm Việt Nam vào bản đồ ẩm thực thế giới. Tôi còn muốn giới thiệu thêm nhiều món Việt khác đến bạn bè quốc tế”.

Trải lòng về hành trình “đưa món quê đi đánh xứ người”, ông chủ Sông Hương Foods Nguyễn Lê Quốc Tuấn bộc bạch: “Tôi mong muốn Việt kiều có món ăn Việt và được mang từ Việt Nam sang. Tôi nỗ lực để không chỉ Việt kiều mà cả người nước ngoài cũng ăn món truyền thống Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, cà pháo đã xuất khẩu chính ngạch sang ba thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc)”.

Hiện nay, Công ty Sông Hương Foods hướng đến xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Campuchia… Nếu như xuất khẩu những năm trước chỉ chiếm từ 3-7% thì năm nay, công ty kỳ vọng sẽ là 30%. Làm xuất khẩu chính ngạch rất khó trong bước đầu nhưng vượt qua được thì mọi thứ dễ dàng hơn. Ðiều tự hào là những “món quê” của Việt Nam không chỉ ra thế giới mà còn rất được ưa chuộng - ông Tuấn nói thêm.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xuat-khau-mon-que-ra-thi-truong-nuoc-ngoai-post741776.html