Xuất khẩu nông, lâm thủy sản: Hứa hẹn 'về đích' 55 tỷ USD

Hiện nông lâm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số sản phẩm, doanh nghiệp được xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm ngày càng nhiều, đây là một tín hiệu cho thấy giá trị nông sản xuất khẩu của nước ta ngày càng được nâng lên.

Trái cây Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính.

Trái cây Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính.

Các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản gia tăng nhanh chóng đạt mốc trên 53 tỷ USD. 8 tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục thu được kết quả khả quan.

Đáng chú ý, 8 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm 2023: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,24 tỷ USD (tăng 20,6%); cà phê 4,03 tỷ USD (tăng 36,1% với lượng hơn 1 triệu tấn, giảm 11,9%); gạo 3,85 tỷ USD (tăng 21,7% với lượng 6,16 triệu tấn, tăng 5,9%); hạt điều 2,77 tỷ USD (tăng 21,7% với lượng 487.000 tấn, tăng 22,9%); rau quả 4,63 tỷ USD (tăng 30,6%); tôm 2,41 tỷ USD (tăng 9,5%); cá tra 1,2 tỷ USD (tăng 8,2%). Giá xuất khẩu bình quân của một số mặt hàng xuất khẩu cũng tăng cao như: Gạo 625 USD/tấn, tăng 14,8%; cà phê 3.805 USD/tấn, tăng 54,5%; cao su 1.567 USD/tấn, tăng 16,6%; hạt tiêu 4.810 USD/tấn, tăng 47%; chè 1.756 USD/tấn, tăng 2,2%...

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD vào cuối năm nay.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) cho rằng: Sự lớn mạnh và trưởng thành của hệ thống quản lý chất lượng trong 30 năm qua đã tạo niềm tin mạnh mẽ và điểm tựa vững vàng cho người dân và doanh nghiệp trong bảo đảm nguồn cung nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nông lâm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số sản phẩm, doanh nghiệp được xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm ngày càng nhiều, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng đạt mốc trên 53 tỷ USD năm 2023. Đây là động lực quan trọng cho phát triển nông nghiệp nông thôn, sinh kế và đời sống nông dân.

Tập trung 4 “trụ cột”

Theo ông Tiệp, trong giai đoạn tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tập trung vào 4 "trụ cột" là: đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản; kích hoạt gia tăng chế biến trong từng chuỗi ngành hàng; chủ động đàm phán tiếp cận, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, truyền thông quảng bá phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Cũng khẳng định về tính khả quan trong xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho hay, để đạt được quy mô xuất khẩu thời gian qua, phải nói tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đi đúng hướng theo Quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, trong các lĩnh vực cũng có chiến lược riêng, ví dụ lĩnh vực lâm nghiệp có rất nhiều quy định là đường hướng là kim chỉ nam cho ngành nông nghiệp phát triển.

“Trong các lĩnh vực chúng ta đã có chiến lược và trong mỗi chiến lược đó đều có các đề án. Những đề án này đều được xây dựng trên cơ sở tổng kết cả quá trình tái cơ cấu và chúng ta đã khởi động các dự án, đi đúng quỹ đạo” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đồng thời cho biết, trong những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, gồm: Tập trung giải ngân đầu tư công; tăng cường phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ đồng ruộng; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong tất cả lĩnh vực như thủy lợi, phòng chống thiên tai, lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, thú y, bảo vệ thực vật... Đồng thời, nâng cao năng lực chế biến sâu, tập trung xây dựng thương hiệu để nông sản Việt Nam thực sự có giá trị trên thị trường quốc tế...

Nhấn mạnh về việc phát triển thị trường tiêu thụ xuất khẩu, ông Tiến cho biết thêm, Bộ NNPTNT tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Liên minh kinh tế Á - EU...; tận dụng các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

An Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-hua-hen-ve-dich-55-ty-usd-10289802.html