Xuất khẩu nông sản 'đau đầu' nên bán CIF hay FOB?

Giá cước vận chuyển cao ngất ngưỡng đang làm các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản 'đau đầu' trong việc lựa chọn nên bán hàng cho đối tác nhập khẩu theo giá CIF hay là theo giá FOB. Nhất là nhìn vào bài học từ vụ 100 container hạt điều có nguy cơ bị lừa khi xuất sang Ý, đang đòi hỏi việc cân nhắc phương thức bán nhằm đảm bảo an toàn hơn.

Qua trao đổi với VnBusiness, ông Thành, giám đốc một doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu trái cây sấy ở Bình Dương, cho biết việc xuất khẩu (XK) theo giá FOB (giao hàng miễn trách nhiệm của người bán khi hàng đã lên boong tàu) là thói quen lâu nay của nhiều DN Việt trong ngành hàng nông sản.

Bị động phương thức bán

Theo ông Thành, thói quen XK theo phương FOB là các DN Việt không phải thuê tàu và mua bảo hiểm cho hàng hóa nên có thể tránh được những rủi ro trong việc thuê tàu và mua bảo hiểm như giá cước tăng, phí bảo hiểm tăng, không thuê được tàu, tàu không phù hợp…

Việc lựa chọn phương thức XK nông sản theo giá FOB tuy giúp giảm thiểu rủi ro nhưng cũng phản ánh những hạn chế về năng lực của DN Việt.

Việc lựa chọn phương thức XK nông sản theo giá FOB tuy giúp giảm thiểu rủi ro nhưng cũng phản ánh những hạn chế về năng lực của DN Việt.

“Bán FOB giải quyết được tình trạng vốn thấp của các DN Việt khi không đủ vốn để trả trước cho cước phí vận tải và bảo hiểm. Ngoài ra, bán FOB ít rủi ro hơn về mặt thanh toán so với bán CIF (người bán hàng hoàn thành trách nhiệm khi hàng đã được xếp lên boong tàu tại cảng xếp, nhưng lại chịu chi phí vận chuyển đến cảng đích). Nếu DN phải bán giá CIF, lô hàng có chi phí cao, một khi bạn hàng mất khả năng thanh toán, mất mát của ta sẽ lớn hơn”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, xét về mặt không lợi khi bán theo phương thức FOB, giới chuyên gia cho rằng khi bán FOB sẽ thu về lượng ngoại tệ thấp hơn cho đất nước so với bán CIF (thông thường nhà XK sẽ thuê tàu và mua bảo hiểm ở các công ty thuộc nước họ). Khi bán FOB thì DN Việt nhường quyền này cho bạn hàng, vô tình khiến các DN bảo hiểm và hãng tàu trong nước mất đi việc làm.

Không chỉ vậy, nếu bán CIF thì nhà XK sẽ trực tiếp giao dịch với các công ty bảo hiểm hàng hải và hãng tàu, người thuê sẽ được hưởng một khoản hoa hồng. Nếu DN Việt chọn FOB mà không chọn CIF để bán thì sẽ mất đi khoản này vào tay bạn hàng nhập khẩu.

Mặc dù biết rõ mặt lợi và bất lợi của phương thức bán theo FOB hay CIF, thế nhưng từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 trên toàn cầu cho đến nay gây tác động mạnh đến chi phí logistics khiến cho nhiều nhà XK nông sản Việt lại rất bị động và “đau đầu” trong việc lựa chọn phương thức bán.

Nhất là 2 năm trở lại đây, với giá cước vận tải tàu biển cao ngất ngưởng thì nhiều đối tác nhập khẩu yêu cầu chuyển sang giao nhận hàng tại cảng của nước nhập khẩu, khiến các DN xuất khẩu nông sản Việt rất lúng túng.

Đơn cử như với XK cà phê, qua ghi nhận từ hồi giữa năm ngoái cho thấy điều kiện giao hàng FOB từng chiếm khoảng 90% tổng khối lượng cà phê XK của Việt Nam, thế nhưng con số này đã giảm xuống còn khoảng 65%.

Tức là đã có khoảng 35% số DN xuất khẩu cà phê chấp nhận chuyển sang giao CIF. Dẫn tới, dù giá CIF thời điểm trên đạt bình quân 1.900 USD/tấn cà phê Robusta nhưng vì phải chịu thêm giá cước vận chuyển cao ngất ngưởng nên lợi nhuận không tăng.

Thay đổi thói quen bán FOB

Ngoài ra, nhiều đối tác yêu cầu ký kết các đơn hàng theo điều kiện giao hàng CPT (bên bán thanh toán cước phí vận tải tới điểm đến đã chỉ định) và DAP (tất cả các chi phí vận chuyển với bất kỳ chi phí đầu cuối nào đều được người bán thanh toán cho đến điểm đến đã thỏa thuận), với điểm chung là bên bán phải chịu toàn bộ cước phí vận chuyển và bảo hiểm.

Rõ ràng, yêu cầu từ đối tác nhập khẩu với điều kiện giao hàng nêu trên là bài toán khó cho các DN xuất khẩu nông sản. Bởi lẽ, một khi chấp nhận bán theo hình thức này thì nhà XK phải chịu thêm giá cước vận chuyển vốn dĩ đang tăng quá cao.

Theo giới chuyên gia, giá cước vận tải quốc tế liên tục phi mã buộc các DN xuất khẩu Việt Nam phải tăng các đơn hàng giá CIF để giữ chân khách hàng. Do đó, nhiều DN Việt chịu gần như toàn bộ chi phí vận chuyển.

Nhân vụ việc 100 container hạt điều XK từ Việt Nam sang Ý có nguy cơ bị lừa, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), có chia sẻ ý kiến của một chủ DN để tránh lặp lại các sai lầm là không chỉ phải kiểm tra người mua kỹ hơn, qua nhiều kênh thông tin khác nhau mà còn cần giành quyền thuê tàu, vì khi thuê tàu thì ta sẽ chủ động hơn trong việc nắm lịch trình, và có vấn đề gì ta làm việc với hãng tàu cũng dễ hơn vì ta là người trả tiền cho họ.

Tức là bán CIF thay vì bán FOB. Theo ông Hải, đây là một nút thắt mà chúng ta vẫn nói đến bao lâu nay, rằng DN Việt đẩy hết quyền thuê tàu cho đối tác, chỉ quen XK đưa hàng ra đến cảng là xong. Như vậy là cũng có thêm một lý do, một động lực để DN thay đổi thói quen, chuyển sang bán CIF.

Điều quan trọng, để tránh những rủi ro bất ngờ có thể xảy ra, khi thương thảo hợp đồng mua bán, các DN xuất khẩu nông sản cần đưa ra những điều khoản chặt chẽ và có thêm phần phụ lục kỹ lưỡng. Nhất là đối với vấn đề cước phí tàu biển tăng cao, hợp đồng XK cần linh hoạt, hai bên cùng chia sẻ chi phí vận chuyển hàng hóa.

Trên thực tế, việc lựa chọn phương thức xuất khẩu nông lâm thủy sản theo giá FOB tuy giúp DN giảm thiểu rủi ro trong hoạt động XK nhưng cũng phản ánh những hạn chế về năng lực của DN.

Giới chuyên gia nhấn mạnh vấn đề là các nhà XK nông sản ít nhất cũng cần tạo thế cân bằng khi đàm phán với đối tác. Còn một khi thị trường là của người mua thì họ sẽ đưa ra phương thức mua bán thuận tiện nhất cho họ, và các nhà XK nông sản Việt sẽ khó có thể áp đặt được phương thức có lợi cho mình.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/xuat-khau-nong-san-dau-dau-nen-ban-cif-hay-fob-1084217.html