Xuất khẩu sắn có tận dụng được cơ hội từ xung đột Nga - Ukraine?

Chiến sự Nga - Ukraine khiến xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam tăng do Trung Quốc đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu mà trước đây thường mua từ Ukraine để phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này cũng có không ít thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh trong xuất khẩu sắn với Campuchia.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2022, Việt Nam xuất khẩu được 249.230 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 102,37 triệu USD, giảm 10,1% về lượng và giảm 12,8% về trị giá so với tháng 1/2022. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu sắn lại tăng tới 17,4% về lượng và tăng 31,1% về trị giá.

"Trong nguy có cơ"

Trong tháng 2/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 93,9% tổng lượng xuất khẩu của cả nước, với 233.720 tấn, trị giá 95,33 triệu USD, so với tháng 2/2021 tăng lần lượt 14,8% và 28,5%.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 494.380 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 205,77 triệu USD, giảm 24% về lượng và giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Việc xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm ngoái là vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ đầu năm 2022. Đặc biệt là để đảm bảo phòng dịch Covid-19, Trung Quốc yêu cầu với mặt hàng khô của Việt Nam xuất sang thị trường này phải bảo đảm bên ngoài bao bì được bọc màng nilon, tránh virus xâm nhập.

Trong quy trình kiểm soát hàng của phía Trung Quốc sẽ có bước phải phun khử khuẩn hàng nông sản khô, do vậy doanh nghiệp bắt buộc phải đóng gói sản phẩm khô để tránh bị hỏng. Điều này cho thấy việc xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn vào thị trường Trung Quốc không còn đơn giản như trước kia, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi để thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm.

Do Trung Quốc có thể phải tìm nguồn nguyên liệu bổ sung sự thiếu hụt từ Ukraine do chiến sự Nga - Ukraine nên xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam có thể được hưởng lợi.

Do Trung Quốc có thể phải tìm nguồn nguyên liệu bổ sung sự thiếu hụt từ Ukraine do chiến sự Nga - Ukraine nên xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam có thể được hưởng lợi.

Khó khăn là vậy nhưng theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian tới, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ tăng trở lại do cơ hội từ chiến sự Nga - Ukraine mang lại.

Nga và Ukraine là hai nước xuất khẩu lúa mì chính cho chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trên toàn thế giới. Cụ thể, Nga và Ukraine lần lượt là các quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ nhất và thứ tư thế giới. Hai quốc gia này hiện chiếm khoảng 29% sản lượng xuất khẩu lúa mì và 19% sản lượng ngô. Và Trung Quốc cũng là bạn hàng quen thuộc của Ukraine.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 12/2021, nước này nhập khẩu 48.800 tấn lúa mì từ Nga, chiếm khoảng 0,5% tổng lượng nhập khẩu (9.718.500 tấn). Số liệu cũng cho thấy trong những năm gần đây, nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc từ Nga rất ít, xu hướng tăng không cao.

Nếu Trung Quốc nhập khẩu lúa mì từ Nga ít thì với Ukraine lại ngược lại. Do tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc rất hạn chế nên nhiều loại lương thực, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi như lúa mì, ngô... của nước này hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Ukraine.

Riêng đối với mặt hàng ngô, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu truyền thống của Ukraine nhờ giá bán ngô cạnh tranh và khoảng cách vận chuyển ngắn. Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 28,35 triệu tấn ngô từ Ukraine, tăng 152,2% so với năm 2020 và trở thành quốc gia nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới.

Trong bối cảnh hiện nay, việc Nga và Ukraine xảy ra chiến sự làm giảm khả năng xuất khẩu các loại nông sản này và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi là thị trường nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới.

Để duy trì an ninh lương thực và đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, Trung Quốc chỉ còn cách mở cửa nhập khẩu các loại lương thực này của các nước khác, trong đó có sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi, giá cạnh tranh. Bên cạnh đó, Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới, cũng là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam suốt thời gian qua.

"Khoảng 30% lượng ngô xuất khẩu của Ukraine được vận chuyển đến Trung Quốc để chế biến làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, chiến sự giữa Nga và Ukraine đang đẩy giá ngô lên cao và đưa mặt hàng này vào tình trạng khan hiếm. Do đó, Trung Quốc có thể sẽ tăng nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn để thay thế cho ngô làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Cạnh tranh với Campuchia

Ngoài nhập về chế biến thức ăn chăn nuôi, Trung Quốc còn mua sắn để phục vụ sản xuất ethanol. Chính vì vậy, sức mua loại nông sản này của Trung Quốc vẫn rất lớn. Điều đó khiến giá sắn lát tại khu vực miền Nam khá sôi động, giá điều chỉnh tăng thêm từ 50-200 đồng/kg.

Tuy nhiên, do dịch khảm lá sắn vẫn diễn biến phức tạp nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Để bù đắp vào việc này, nhiều doanh nghiệp phải nhập sắn thô từ Campuchia về chế biến.

Chẳng hạn như tại Thanh Hóa hiện có 12.000 ha sắn, với năng suất khoảng 20 tấn/ha. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn với quy mô 600 tấn sản phẩm/ngày. Nhu cầu nguyên liệu để sản xuất cần tới 250.000-300.000 tấn củ sắn tươi.

Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp địa phương, diện tích và năng suất sắn như trên mới đảm bảo được 60% công suất nhà máy, nên các nhà máy phải thu mua ở các tỉnh khác và nhập khẩu sắn từ Lào, Campuchia để đảm bảo sản xuất và có hàng xuất khẩu. Hàng năm, sản lượng tinh bột sắn của các nhà máy đạt khoảng 70.000 tấn, 100% đều xuất khẩu.

Ngoài ra, theo Cục Xuất nhập khẩu, để đáp ứng nhu cầu trong nước, Trung Quốc cũng đang tăng cường nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn từ Campuchia. Điều này sẽ tạo thêm áp lực cạnh tranh với sắn Việt Nam.

Theo thỏa thuận mới giữa Bộ Thương mại Campuchia và chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), Campuchia sẽ xuất khẩu 400.000 tấn sắn khô sang thị trường này kể từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2023.

Thỏa thuận trên là một bước phát triển lớn đối với các sản phẩm sắn của Campuchia, vì trước đây, sắn của Campuchia chủ yếu được xuất khẩu sang Thái Lan và Việt Nam.

Sắn hiện là một trong những sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Campuchia, đóng góp khoảng 3-4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm. Năm 2020, Campuchia chính thức đưa ra Chính sách quốc gia về sắn 2020-2025 nhằm tăng sản lượng và làm cho cây trồng trở nên thương mại để xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Đặc biệt, từ tháng 1/2022, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông báo cho biết nước này và Campuchia đang đẩy mạnh thực hiện Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Thỏa thuận này cho phép 90% hàng hóa xuất khẩu giữa hai nước được hưởng mức thuế suất 0%.

Theo các chuyên gia, các sản phẩm nông nghiệp của Campuchia, trong đó có sắn và các sản phẩm từ sắn đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn và đủ sức cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Việc Campuchia xuất khẩu sắn khô sang Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cho thấy Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ Campuchia.

Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Lạng, cho biết thời gian tới, ngoài đẩy mạnh việc xuất khẩu các sản phẩm sắn thì việc đăng ký bã sắn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cũng sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh và giá trị của sản phẩm sắn Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành sắn cũng cần quan tâm xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký FTA với Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản,... nhằm tận dụng các cơ hội hưởng hạn ngạch thuế quan và mở rộng thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/xuat-khau-san-co-tan-dung-duoc-co-hoi-tu-xung-dot-nga-ukraine-1084222.html