Xuất khẩu sản phẩm cơ khí - cơ hội tỷ USD của Việt Nam
Với dân số 100 triệu dân, đa phần là dân số trẻ, Việt Nam có triển vọng trở thành trung tâm công nghiệp cơ khí hàng đầu Đông Nam Á. Điều này sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Những năm 1980, nhiều người Thái Lan không thể ngờ rằng một ngày nào đó, đất nước họ sinh sống trở thành trung tâm sản xuất ôtô số 1 Đông Nam Á, đứng thứ 4 châu Á. Năm 2022, nước này xuất khẩu khoảng 1 triệu xe đi khắp thế giới, chưa kể khoảng 800.000 xe được tiêu thụ nội địa.
Riêng ngành sản xuất ôtô đang đóng góp khoảng 10% GDP của Thái Lan, tương đương khoảng 55 tỷ USD. Doanh số xuất khẩu xe ra nước ngoài có thể giúp nước này thu về hàng chục tỷ USD mỗi năm. Các ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ôtô cũng được thúc đẩy một cách nhanh chóng, tạo ra hàng triệu việc làm.
Bài học của Thái Lan được nhiều chuyên gia cho rằng là cảm hứng để Việt Nam vươn lên, phát triển công nghiệp cơ khí, tiến tới xuất khẩu. Việt Nam được đánh giá là quốc gia hội tụ nhiều yếu tố để phát triển một ngành công nghiệp cơ khí mạnh, đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Xuất khẩu còn khiêm tốn
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trung bình mỗi tháng, Việt Nam xuất khẩu một lượng khoảng 3,5 tỷ USD máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng ra thế giới.
Trong đó, thiết bị điện dùng cho điện thoại hữu tuyến đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất, khoảng 15-20 tỷ USD/năm. Tiếp đến là các sản phẩm như máy biến thế điện, máy biến đổi điện tĩnh; ắc quy điện; động cơ điện và máy phát điện; máy ép đùn; tổ máy phát điện và máy biến đổi điện quay; máy chuẩn bị xơ sợi dệt; máy kéo sợi, máy đậu sợi hoặc máy xe sợi...
Tuy nhiên, có thể thấy các sản phẩm cơ khí như phương tiện vận tải, ôtô, phụ tùng ôtô... gần như rất hạn chế trong xuất khẩu sản phẩm cơ khí của Việt Nam. Trong khi đó, năm 2022, Việt Nam đã nhập hơn 170.000 ôtô nguyên chiếc về nước.
Theo Bộ Công Thương việc xuất khẩu sản phẩm cơ khí đóng vai trò rất quan trọng cho sản xuất trong nước, đặc biệt là chiến lược phát triển công nghiệp tầm nhìn 2035, xuất khẩu sẽ chiếm 40% tổng sản lượng ngành cơ khí vào năm 2030, đến năm 2035 đạt 45%... Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu các sản phẩm cơ khí hiện tại, đặc biệt là sản phẩm do doanh nghiệp nội địa sản xuất vẫn còn khá khiêm tốn.
Vai trò của doanh nghiệp nội địa tiềm lực lớn
Tại hội thảo “Triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” tổ chức năm 2019, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam Đào Phan Long nhận định nền kinh tế nói chung và công nghiệp cơ khí nói riêng của Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn bởi sự phát triển rất nhanh của khoa học - công nghệ thế giới.
Ông cho rằng Chính phủ cần phải đưa ra một phương hướng đầu tư, lộ trình phát triển một số sản phẩm, ngành hàng cơ khí chính yếu, có chọn lọc bằng một hệ thống chính sách đồng bộ và khả thi thì công nghiệp cơ khí Việt Nam mới có thể phát triển bền vững được trong những năm tới.
Theo ông Long, một trong những hạn chế lớn nhất là trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn quá lạc hậu. Phần lớn việc tổ chức doanh nghiệp, quản lý sản xuất cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D) mới ở trình độ công nghiệp 2.0 dẫn đến các sản phẩm cơ khí, nguồn nhân lực… thua kém các nước trong khu vực. Từ đó, cơ khí Việt Nam bị thua trên “sân nhà” trước các đối thủ có nền công nghiệp cơ khí hiện đại. Hiện tại, mới chỉ có rất ít doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đạt trình độ công nghiệp 3.0.
Theo Bộ Công Thương, để xuất khẩu được sang các thị trường lớn như hiện nay thì vai trò của các doanh nghiệp lớn nội địa có tiềm lực mạnh là rất quan trọng, mang tính dẫn dắt. Bởi lẽ, với những doanh nghiệp lớn như vậy mới có đủ nguồn tài chính để đầu tư công nghệ, chuẩn hóa sản phẩm từ nguyên liệu, sản xuất đến giá thành và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến phân phối. Đặc biệt, phải tập trung sản xuất hàng loạt, tự động hóa nhưng theo yêu cầu riêng lẻ của khách hàng quốc tế là vô cùng cần thiết.
Để xuất khẩu sản phẩm cơ khí vào những thị trường lớn thì điều đầu tiên đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư dây chuyền thiết bị, phải sản xuất ra sản phẩm mẫu, sau đó đưa sản phẩm cho phía đối tác kiểm tra. Nếu đối tác thấy sản phẩm hợp lý, mới tiến đến sản xuất hàng loạt. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng phải rất ưu đãi cho lĩnh vực này.
Việt Nam có thể làm gì để thực hiện chiến lược mở rộng sản xuất cơ khí?
Việt Nam có thể bắt đầu bằng việc tăng cường hợp tác với các hãng ôtô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu. Điều này đã được Thaco Industries triển khai rất thành công, là đối tác của nhiều hãng xe lớn trên thế giới như Kia, Peugeot, BMW, Mercedes Benz...
Sau 16 năm đầu tư tại Chu Lai, Thaco đã hình thành tổ hợp sản xuất và gia công cơ khí phục vụ sản xuất ôtô và linh kiện phụ tùng, đồng thời thực hiện gia công cho các khách hàng như Doosan Vina, General Electric (GE), Makitech (Nhật Bản), Agata, Three Stars và các doanh nghiệp đến đầu tư tại Chu Lai.
Để thực hiện chiến lược mở rộng sản xuất cơ khí, bên cạnh các nhà máy, công ty hiện hữu là tổ hợp cơ khí, thì liên doanh, liên kết là giải pháp chiến lược của Thaco để mở rộng sang các lĩnh vực cơ khí mới, cụ thể là cơ khí nông - lâm nghiệp, cơ khí xây dựng, cơ khí công trình giao thông, cơ khí thiết bị công nghiệp…
Trong chuyến thăm đến Chu Lai vào năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng một đất nước phát triển hiện đại thì phải có công nghiệp hiện đại, có nhiều ngành quan trọng nhưng cơ khí là nền tảng, vì vậy phải phát triển ngành cơ khí. Ông mong muốn Thaco tiếp tục phát triển, xứng tầm, đóng góp cho sự phát triển của công nghiệp Việt Nam.