Xuất khẩu sang châu Âu và nỗi lo rào cản xanh
Liên minh châu Âu (EU) có dân số đông, mức sống cao và đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam nên đây là thị trường rất rộng mở cho hàng hóa Việt Nam xuất sang.
Mặc dù vậy, người tiêu dùng khu vực EU đặc biệt coi trọng vấn đề môi trường. Nhiều quy định rất khắt khe mà chính phủ các nước và khu vực đặt ra sẽ là những rào cản không dễ để doanh nghiệp (DN) vượt qua.
Thị trường rộng mở
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có hợp tác đầy đủ với EU. Trải qua gần 4 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), EU hiện là đối tác phát triển lớn nhất; đối tác thương mại lớn thứ 5 và nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong các nước ASEAN và thứ 14 trên thế giới. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 chiều trong 8 tháng của năm 2024 đạt gần 45,2 tỷ USD, trong đó xuất siêu 23,6 tỷ USD.
Phó giám đốc Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Bùi Hoàng Yến đánh giá, thị phần của Việt Nam tại thị trường EU chỉ đạt 13% và tỷ lệ hàng hóa tận dụng ưu đãi thuế quan của EU chỉ đạt 1,8%.
Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam JEAN JACQUES BOUFLET khuyến nghị Việt Nam cần phát triển các khung pháp lý và gia tăng nguồn lực xã hội để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh, vận dụng kinh nghiệm và kiến thức quốc tế. EuroCham cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam quá trình này, nhất là năng lượng tái tạo, giao thông và tài chính xanh...
Đối với Đồng Nai, trong nửa đầu năm, xuất khẩu của tỉnh vào thị trường EU gần 1,4 tỷ USD, con số này chỉ chiếm hơn 10% tổng số xuất khẩu ra thế giới của hàng hóa Đồng Nai. Do đó, thị trường này vẫn đang chờ các DN khai thác một cách mở rộng hơn.
Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam - châu Âu do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 21-8-2024 ở Thành phố Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhận định, còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU. Thời gian tới, quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa sẽ ngày càng sâu sắc, đòi hỏi DN hai bên phải chủ động, tích cực hơn để bắt kịp với các xu thế mới.
Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng cho rằng, việc tiếp cận EU là cơ hội lớn cho các DN. EU không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn, mà còn có nhu cầu cao về nhiều loại hàng hóa mà Việt Nam có lợi thế. Các DN xuất, nhập khẩu trên địa bàn đã vào thị trường EU từ rất sớm với các mặt hàng truyền thống, chủ lực như: gốm thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ nội thất, hạt điều, cà phê, giày dép, túi xách, hàng dệt may...
Đồng Nai hiện chỉ có khoảng 50 DN xuất, nhập khẩu hàng hóa sang thị trường EU. Nếu so với tổng số gần 4,9 ngàn DN đang làm thủ tục hải quan tại Đồng Nai, con số này còn rất khiêm tốn.
Tìm giải pháp vượt rào cản về các yếu tố xanh
Hiện nay, EU đã mở cửa cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam ở độ mở cao nhất so với các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, EU có các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, thị trường này rất chú trọng đến các tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững. Trong năm 2024, EU đã ban hành hàng loạt đạo luật mới. Ví dụ, Đạo luật Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM); Quy định chống suy thoái rừng (EUDR)... Những đạo luật này, hay Thỏa thuận Xanh châu Âu sẽ tác động trực tiếp đến các DN Việt Nam trong các lĩnh vực mũi nhọn như: nông nghiệp, dệt may, da giày, gỗ, cao su...
Đơn cử như trong ngành gỗ, Giám đốc Điều hành dịch vụ chứng nhận và hệ thống của Tổ chức SGS Việt Nam Nguyễn Nam Trân cho hay, 85% người tiêu dùng của EU coi tính bền vững là yếu tố quan trọng khi mua sản phẩm gỗ. Từ năm 2013 đến nay, mức tăng trưởng về các sản phẩm gỗ được chứng nhận xanh đạt đến 40%. Trong năm 2020, khu vực này chiếm đến 37% tổng diện tích rừng được cấp chứng nhận bền vững của toàn cầu. Điều đó cho thấy người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm thân thiện với môi trường, nhằm giảm tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu và tài nguyên thiên nhiên.
Theo bà Bùi Hoàng Yến, các DN Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn về truy xuất nguồn gốc và quy hoạch vùng nguyên liệu. Trong khi đó, thách thức đang hiện hữu là EU đã triển khai Thỏa thuận Xanh nhiều năm nay. Họ có 35 yêu cầu thực thi và được đặt ra với tất cả các quốc gia khi làm việc trên lãnh thổ châu Âu chứ không chỉ riêng Việt Nam. Điều đó đặt ra bài toán phải nâng cấp năng lực của DN.
Ông Võ Tân Thành cho rằng, việc đáp ứng các tiêu chí bền vững là yếu tố hết sức quan trọng, đòi hỏi DN xây dựng mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Thách thức lớn nhưng xen lẫn đó là cơ hội để DN Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất nội tại, gia tăng sức cạnh tranh, phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.