Xuất khẩu sang EU: Doanh nghiệp phải quan tâm đầu tư yếu tố 'xanh'
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, yếu tố 'xanh' đang là vấn đề quan trọng số 1 đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, từ ngày 1/10/2023, Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM) bắt đầu được áp dụng, buộc nhà nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa.
Thách thức đối với hàng hóa của Việt Nam
Tại hội thảo hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: vấn đề cấp bách vừa diễn ra mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đảm bảo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời với việc tận dụng các cơ hội từ các FTA thì thách thức đối với hàng Việt hiện nay là chính sách thuế carbon do Liên minh châu Âu (EU) áp dụng.
EU áp dụng thuế carbon với nhiều ngành hàng
EU đưa ra dự định, không chỉ dừng lại ở 6 lĩnh vực: thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro, CBAM có khả năng sẽ mở rộng áp dụng sang các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam như gốm sứ, bột giấy và giấy... Các tác động phi kinh tế liên quan đến công tác hành chính, báo cáo có thể đáng kể hơn.
Theo đó, các nhà nhập khẩu vào châu Âu có nghĩa vụ phải báo cáo lượng phát thải khí nhà kính từ hàng hóa, nhằm chuẩn bị cho lộ trình đánh thuế carbon từ năm 2026. CBAM sẽ áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu trong 6 lĩnh vực: thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro.
Bà Sirpa Jarvenpaa - Giám đốc Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) cho biết, CBAM yêu cầu các nhà nhập khẩu hàng hóa vào EU phải đáp ứng một mức thuế phát thải carbon tương ứng như các nhà sản xuất của EU bị áp, căn cứ vào lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất. Cơ chế này nhằm giữ thị trường cạnh tranh công bằng và đảm bảo lộ trình giảm phát thải của EU.
Nhằm đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát trên 4 lĩnh vực hiện có hàng hóa xuất khẩu đáng kể vào thị trường EU là: nhôm, thép, xi măng và phân bón. Xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.
Trong đó, lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Giá trị xuất khẩu của ngành nhôm cũng giảm hơn 4% và sản lượng giảm khoảng 0,4%.
Đối với ngành xi măng và phân bón, mức độ tác động không đáng kể. Nếu xét về mặt tích cực, CBAM sẽ tạo ra động lực trực tiếp giảm phát thải cho các nhà sản xuất bị ảnh hưởng. Việc này sẽ có tác động lớn hơn nếu có thể mở rộng sang các ngành khác, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh và các cam kết giảm phát thải của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hồng Loan - chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về Đánh giá tác động của CBAM cho hay, theo đề xuất của EU, cách tính phát thải hàng hóa sẽ ưu tiên phát thải thực tế do doanh nghiệp tự đo đếm.
Trường hợp doanh nghiệp không thể xác định được đầy đủ hoặc có phát thải gián tiếp, CBAM sẽ sử dụng giá trị phát thải mặc định trung bình cho từng quốc gia xuất khẩu, do Ủy ban châu Âu ban hành dựa trên thông tin do nước xuất khẩu hoặc nhóm nước xuất khẩu cung cấp. Quốc gia không có giá trị mặc định sẽ dựa theo các cơ sở phát thải cao ở EU cho từng loại mặt hàng.
"Xanh" là vấn đề quan trọng của doanh nghiệp
Theo EU, từ năm 2026, việc chi trả sẽ được thực hiện và sẽ phải có bên thứ 3 là đơn vị thẩm định với những quy tắc nghiêm ngặt. Theo kinh nghiệm từ các dự án thẩm định tín chí carbon hiện nay, quá trình xác minh dữ liệu và khảo sát hiện trường thường mất từ 3 - 6 tháng. Nếu Việt Nam có quy định về định giá carbon, một phần tiền thuế doanh nghiệp xuất khẩu đáng lẽ phải trả cho EU sẽ được giữ lại ở Việt Nam.
Bình luận về vấn đề này, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, vấn đề đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là làm thế nào tập trung hoạt động theo nhu cầu của thị trường. Trong đó, thị trường đang đặt ra vấn đề xanh là số 1, chất lượng là số 2, giá cả là số 3. Lâu nay doanh nghiệp chú ý nhiều đến vấn đề chất lượng, cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Bây giờ nếu không “xanh” thì chất lượng và giá cả không giải quyết được vấn đề thị trường.
Ông Lê Xuân Nghĩa cảnh báo, châu Âu bắt đầu quy định từ năm 2026 tất cả các hàng hóa xuất khẩu vào châu Âu đều phải báo cáo chất thải khí nhà kính. Doanh nghiệp không có báo cáo thì không thể xuất khẩu sang thị trường này. Như vậy, toàn bộ hệ thống sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu gắn liền với chất lượng, tiết kiệm chi phí nếu không có báo cáo về chất thải khí nhà kính sẽ trở nên vô nghĩa vì không thể xuất khẩu.
Điều này đồng nghĩa với việc phục hồi lại thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe con người, dẫn đến xu thế của toàn thế giới chứ không riêng Việt Nam.
Doanh nghiệp cần hiểu rõ các quy định
Xu thế này đặt ra cho doanh nghiệp rất nhiều tốn kém, thậm chí, có doanh nghiệp không có nhân viên chuyên nghiệp để giải quyết yếu tố “xanh”.
Khuyến nghị cho doanh nghiệp, ông Nghĩa cho rằng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ quy định của châu Âu về yếu tố “xanh” cũng như tìm kiểu kỹ Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương về cách thống kê phát thải khí nhà kính. Điều này vô cùng quan trọng.
Hiện Việt Nam đã có hơn 60 doanh nghiệp có báo cáo phát thải khí nhà kính, nhưng đây mới chỉ là báo cáo thí điểm, chưa được kiểm toán. Chất lượng báo cáo còn thấp, không vượt qua được kiểm toán châu Âu. Doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam hiện được châu Âu thừa nhận báo cáo là Hòa Phát. Công ty này phải thuê một công ty tư vấn quốc tế lập báo cáo.
“Vấn đề đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là làm thế nào phải nhanh chóng tập trung toàn bộ nguồn lực để làm báo cáo phát thải. Báo cáo này phải theo quy định của Chính phủ (nếu bán tại thị trường nội địa), theo quy định của EU (nếu bán sang thị trường EU). Hiện thuế của EU đánh vào phát thải khí nhà kính chưa cao, nhưng doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang đó bắt buộc phải có báo cáo về phát thải này. Báo cáo này phải được kiểm toán, giống như báo cáo tài chính, như vậy mới có thể được cơ quan chức năng EU chấp nhận” - ông Nghĩa cho biết./.