Xuất khẩu suy giảm, Bộ trưởng Công Thương nói 'cuộc đua không cân sức'

Một số nước phát triển đã dựng lên các rào cản kỹ thuật như chuyển đổi năng lượng xanh sạch, sản xuất cacbon thấp,... Bộ trưởng Công Thương đánh giá đây là 'luật chơi mới' trong cuộc đua không cân sức.

Chủ trì Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” sáng 25/4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, thời gian qua Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại song phương, đa phương nhằm thuận lợi hóa thương mại để thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, một số nước phát triển đã dựng lên các rào cản kỹ thuật như chuyển đổi năng lượng xanh sạch, sản xuất cacbon thấp...

"Tất cả những chính sách này mới nghe có vẻ rất nhân văn, nhưng đây là 'luật chơi mới' trong cuộc đua không cân sức, bởi những nước phát triển đã đi trước rất xa, có điều kiện hơn chúng ta rất nhiều", ông Diên đánh giá.

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu cũng cho thấy, kết quả xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2023 đều ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ, đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD, giảm 15,4%. Xuất khẩu, nhập khẩu giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI.

Bộ trưởng Công Thương: Một số nước phát triển đã dựng lên các rào cản kỹ thuật với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Bộ trưởng Công Thương: Một số nước phát triển đã dựng lên các rào cản kỹ thuật với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Xét về thị trường, xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ đạt 24,6 tỷ USD, giảm 19,4%; sang thị trường châu Âu đạt 12,4 tỷ USD, giảm 9,7%. Xuất khẩu sang thị trường châu Phi giảm 11,2%, châu Đại Dương giảm 3,7%. Xuất khẩu sang thị trường châu Á đạt 38,7 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ.

Xét về nhóm hàng, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp đạt 67,8 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ; nhóm nông, thủy sản đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7,8%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,03 tỷ USD, giảm 1,6%.

Đáng lưu ý, trong quý I/2023, một số ngành hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu giảm như ngành hàng điện tử, máy tính: Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, giảm 12,2%; điện tử, máy vi tính và linh kiện đạt 12 tỷ USD, giảm 9,3%. Xuất khẩu hàng may mặc đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,7%; xơ sợi dệt đạt 941 triệu USD, giảm 35%; vải mành, vải kỹ thuật đạt 178.

Là ngành hàng xuất khẩu với kim ngạch hàng chục tỷ đô la Mỹ mỗi năm, song dệt may đang đối diện với những thách thức lớn từ sự suy giảm của thị trường, nhất là ở các thị trường chủ lực như Mỹ, EU.

Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) kiến nghị: Trong ngắn hạn, cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua tham tán thương mại; trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU - những nơi mà Việt Nam đã ký những Hiệp định thương mại song phương.

Với ngành hàng thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nặng nhất. Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh.

Ông Nam kiến nghị, cần giảm lãi suất vay USD để dòng tiền không bị nghẽn. Vì nguồn tiền không có nhưng doanh nghiệp vẫn phải duy trì thu mua nguyên liệu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích tâm lý, để nông ngư dân duy trì việc sản xuất. Đây chỉ là giải pháp mang tính giai đoạn nhưng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đề xuất Ngân hàng Nhà nước coi sản phẩm trồng trên đất là tài sản để được thế chấp, vay vốn.

“Như sầu riêng, mỗi năm người dân phải đầu tư khoảng 50 triệu/ha... nhưng không được coi là tài sản để thế chấp”- ông Tùng nêu ý kiến.

Xuất khẩu đang đối mặt khó khăn do nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, đồ gỗ,... sụt giảm đơn hàng. VietNamNet đã triển khai tuyến bài ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, chuyên gia nhằm đưa ra nhận diện rõ hơn những nút thắt doanh nghiệp đang gặp phải, để từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xuat-khau-suy-giam-bo-truong-cong-thuong-noi-ve-cuoc-dua-khong-can-suc-2136516.html