Xuất khẩu tăng tốc, Đạm Cà Mau (DCM) báo lãi ròng cao nhất 3 năm
Kết thúc quý 1/2025, Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) ghi nhận 412 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; qua đó, hoàn thành 53% mục tiêu lãi cả năm. Đây cũng là mức lãi ròng theo quý cao nhất của công ty trong 3 năm trở lại đây.

Đạm Cà Mau đã tận dụng việc giá ure thế giới tăng cao trong các tháng đầu năm để đẩy mạnh xuất khẩu.
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 với doanh thu thuần đạt 3.406 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2024.
Qua đó, Đạm Cà Mau ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 18%, đạt 412 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty đã hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay. Đây cũng là mức doanh thu và lãi ròng theo quý cao nhất của doanh nghiệp trong 3 năm trở lại đây.
Theo phân tích của Chứng khoán Dầu khí, động lực tăng trưởng của Đạm Cà Mau chủ yếu đến từ mảng NPK và hoạt động xuất khẩu ure.
Cụ thể, doanh thu mảng NPK của Đạm Cà Mau trong quý 1/2025 tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2024, đạt 521 tỷ đồng, nhờ gia tăng sản lượng tiêu thụ từ nhà máy NPK cũ lên 23.000 tấn (tăng 317% so với cùng kỳ) và đóng góp 19.000 tấn từ KVF (so với không ghi nhận trong quý 1/2024).

Kết quả kinh doanh (tỷ đồng) của Đạm Cà Mau qua các quý. (Nguồn: Đạm Cà Mau, Chứng khoán Dầu khí)
Đồng thời, Đạm Cà Mau đã tận dụng việc giá ure thế giới tăng cao trong các tháng đầu năm (tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái), trong khi thị trường trong nước bước vào giai đoạn thấp điểm để đẩy mạnh xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu ure trong quý 1/2025 của công ty đạt 150.000 tấn, mang về 1.396 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2024.
Tỷ trọng doanh thu xuất khẩu chiếm 57% tổng doanh thu mảng ure của Đạm Cà Mau trong 1/2025, tăng 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh việc củng cố thị phần tại các thị trường truyền thống, công ty cũng tăng cường thâm nhập sang các thị trường mới như Australia và New Zealand.
Chiến lược này góp phần cải thiện đáng kể doanh thu mảng ure đặc biệt trong bối cảnh giá ure thế giới năm 2025 được Agromonitor dự báo duy trì ổn định ở mức nền cao hiện tại, theo Chứng khoán Dầu khí.

Giá ure tại một số thị trường từ 2024-2025 (USD/tấn FOB/CFR). (Nguồn: Agromonitor, Chứng khoán Dầu khí)
Ngoài ra, chi phí sản xuất giảm trong khi giá bán tăng hỗ trợ biên lợi nhuận gộp mảng ure của Đạm Cà Mau trong quý 1/2025 tăng 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2024. Giá khí đầu vào của Đạm Cà Mau được neo theo giá dầu, trong khi đó giá dầu thô Brent chỉ đạt trung bình 75 USD/thùng trong quý 1/2025, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2024. Đồng thời, giá bán ure trong kỳ đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chứng khoán Dầu khí nhận định, giá bán ure cả năm 2025 của Đạm Cà Mau dự kiến sẽ tăng nhẹ 1 - 3% so với năm 2024 theo đà tăng của giá thế giới. Đồng thời, chi phí sản xuất của công ty dự kiến sẽ tiếp tục được tiết giảm khi giá dầu thô được dự báo duy trì quanh mốc 70 - 75 USD/thùng trong năm nay, giúp giá khí đầu vào đạt khoảng 9,1 USD/MMBtu, giảm 5% so với mức trung bình của năm 2024.
Ngoài ra, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau ước tính, việc áp thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón sẽ giúp công ty giảm được 3,8% giá vốn dựa trên số liệu sản xuất của năm 2024.
Với mảng NPK, quy mô sản xuất NPK của Đạm Cà Mau sẽ tiếp tục được mở rộng đáng kể khi Nhà máy Phân bón Cà Mau - cơ sở Bình Định hoàn thành vào quý 4/2025. Hiện công trình đã đưa vào sử dụng hạng mục kho chứa 14,296 m2 từ đầu tháng 2 năm nay và đang tiếp tục triển khai giai đoạn lắp đặt dây chuyền thiết bị sản xuất NPK+TE công suất 50.000 tấn/năm.
Dựa trên các điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán Dầu khí dự báo Đạm Cà Mau có thể ghi nhận 14.890 tỷ đồng doanh thu và 1.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2025, lần lượt tăng 10,7% và tăng 5,6% so với mức thực hiện của năm 2024.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Đạm Cà Mau đạt 16.887 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho ghi nhận ở mức 3.278 tỷ đồng, tăng 9%. Khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng tăng đáng kể, gấp 3,5 lần so với đầu năm, lên 1.051 tỷ đồng.
Nợ phải trả của công ty tính đến cuối quý 1/2025 đạt 6.322 tỷ đồng, tăng 13,8% so với thời điểm đầu năm. Đặc biệt, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng hơn gấp đôi, từ 233 tỷ đồng lên 587 tỷ đồng.
Về cơ cấu tài chính, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Đạm Cà Mau ở thời điểm cuối kỳ đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu năm. Ngược lại, khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn lại giảm 13,8%, còn 102,9 tỷ đồng.