Xuất khẩu tăng trưởng, ngành gỗ tích cực tìm kiếm khách hàng tiềm năng

Sau thời gian khó khăn do nhu cầu thế giới sụt giảm, doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất, thị trường ngành gỗ đã có những điểm sáng nhất định ở một số thị trường mới.

Hoàn thiện đồ dùng nhà bếp xuất khẩu tại nhà máy của Công ty ở phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Hoàn thiện đồ dùng nhà bếp xuất khẩu tại nhà máy của Công ty ở phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Xuất khẩu ngành gỗ những tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc, tuy nhiên bối cảnh chung của thế giới vẫn không ít thách thức. Do đó, các doanh nghiệp cần tận dụng mọi cơ hội thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại để tìm kiếm khách hàng, đơn hàng mới.

Đây là chia sẻ của nhiều doanh nghiệp tại Họp báo cung cấp thông tin Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ & Mỹ nghệ Xuất khẩu Việt Nam ASEAN (VIFA ASEAN 2024) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh (VCCI - HCM), Công ty cổ phần Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tổ chức, ngày 23/5 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI – HCM cho biết, sau thời gian khó khăn do nhu cầu thế giới sụt giảm, doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất, thị trường ngành gỗ đã có những điểm sáng nhất định ở một số thị trường mới. Sản phẩm gỗ và nội thất là một trong 6 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất cả nước trong 4 tháng đầu năm 2024 với kim ngạch đạt 4,89 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu đồ gỗ và nội thất lớn nhất của Việt Nam có sự phục hồi đáng kể do nhu cầu thị trường tăng và hàng tồn kho giảm. Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và nội thất sang Hoa Kỳ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 31,8%.

Theo ông Trần Ngọc Liêm, các nhà nhập khẩu đồ gỗ Hoa Kỳ đánh giá cao và xác định Việt Nam là thị trường cung ứng đồ gỗ, nội thất hàng đầu. Đây cũng là nền tảng để xuất khẩu đồ gỗ, nội thất Việt Nam bứt phá khi thị trường Hoa Kỳ phục hồi trở lại. Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều vào một thị trường lại chính là điểm yếu của Việt Nam. Minh chứng là khi nhu cầu tiêu thụ của Hoa Kỳ giảm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm theo rất nhiều. Do đó, doanh nghiệp ngành gỗ, nội thất Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa và nâng dần tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác để giảm thiểu rủi ro.

Ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh cho biết, tình hình sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp những tháng đầu năm 2024 có sự khởi sắc, tăng trưởng xuất khẩu khá cao so với năm 2023 do lượng hàng tồn kho ở các thị trường đã giảm sau thời gian dài dừng mua vào. Ngoài thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc tăng trưởng hai con số thì một số thị trường mới như Ấn Độ, Peru, một số nước Trung Đông đang có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Mặc dù vậy, theo ông Đặng Quốc Hùng, thực tế doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp đã có đơn hàng cho quý III và cuối năm 2024 nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp chỉ có đơn hàng nhỏ, ngắn hạn với giá trị không cao. Trong khi đó, tình hình xung đột vẫn tiếp diễn ngày càng phức tạp ở nhiều khu vực quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại, vận chuyển hàng hóa quốc tế.

Do đó, ngoài Hội chợ VIFA EXPO tổ chức vào mùa Xuân hàng năm đã có truyền thống hơn 15 năm, từ năm 2023 các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng liên quan tiếp tục tổ chức Hội chợ VIFA ASEAN với quy mô lớn hơn vào mùa Thu (Tháng 8 hàng năm), định hướng trở thành sự kiện xúc tiến thương mại ngành gỗ và nội thất lớn ở khu vực Đông Nam Á. Sau thành công của VIFA ASEAN 2023, Ban tổ chức VIFA ASEAN 2024 quyết định mở rộng quy mô lên 1.000 gian hàng, dự kiến thu hút 300 doanh nghiệp đến từ 11 quốc gia trong khu vực trưng bày, đón tiếp nhà mua hàng khắp nơi trên thế giới.

Bà Huỳnh Thị Phương Vi, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long chia sẻ, những tháng đầu năm 2024 tình hình xuất khẩu có sáng sủa hơn nhưng đó là so sánh tương quan với năm 2023 khi hoạt động xuất khẩu gần như “chạm đáy”. Thời điểm đó, hầu hết các nhà nhập khẩu đều bị tồn kho cao do trước đó đã mua vào lượng lớn trong khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi chậm. Đến nay, sau thời gian xả hàng, lượng tồn kho giảm xuống, một số nhà nhập khẩu bắt đầu đặt hàng trở lại.

Theo bà Huỳnh Thị Phương Vi, trong bối cảnh hiện nay, việc tham gia các hội chợ, triển lãm là một kênh tìm kiếm khách hàng, đơn hàng hiệu quả. Thông qua việc kết nối, trao đổi nhu cầu tại các hội chợ, nhiều khách hàng tiềm năng đã trở thành khách hàng thực sự, mang lại đơn hàng ổn định cho công ty. Tuy nhiên, những khách hàng mới cũng có những tiêu chuẩn riêng, đòi hỏi doanh nghiệp liên tục phát triển mẫu mã mới và linh hoạt hơn mới có thể tận dụng được cơ hội.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xuat-khau-tang-truong-nganh-go-tich-cuc-tim-kiem-khach-hang-tiem-nang/334117.html