Xuất khẩu thủy sản 10 tháng đạt trên 8,3 tỷ USD, các mặt hàng chủ lực tăng trưởng tích cực
Kết quả 1,1 tỷ USD đạt được trong tháng 10 đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sau 10 tháng năm 2024 cán mốc 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực…
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 27 tháng (kể từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản theo tháng đã trở lại mức 1 tỷ USD - một dấu mốc đáng mừng cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, tôm tăng 13%; cá tra tăng 9%; cá ngừ tăng 18%...
XUẤT KHẨU TÔM SANG CÁC THỊ TRƯỜNG CHÍNH ĐỀU TĂNG TRƯỞNG
Cụ thể, với mặt hàng tôm, trong tháng 10/2024 đạt 394 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm nước. Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu tôm mang về 3,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường chính đều đạt mức tăng trưởng cao, cho thấy nhu cầu đang phục hồi mạnh mẽ.
Đáng chú ý, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường sang Trung Quốc và Hồng Kông trong tháng 10/2024 đạt 91 triệu USD, tăng 44% so với tháng 10/2023. Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 676 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ; trong đó, mặt hàng tôm hùm đạt 298 triệu USD, tăng mạnh tới 157%.
Tại thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu tôm Việt Nam tháng 10/2024 đạt hơn 80 triệu USD, tăng 17% so với tháng 10/2023. Lũy kế 10 tháng năm 2024, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 646 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
VASEP cho rằng đề xuất tăng thuế nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ của ông Trump sau khi tái đắc cử, đang khiến doanh nghiệp Hoa Kỳ có xu hướng đẩy nhanh tốc độ nhập hàng, để tích trữ hàng trước thuế. Vì vậy, trong ngắn hạn, nhu cầu nhập khẩu tôm vào Hoa Kỳ sẽ tăng.
Trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ghi nhận tăng trưởng lần lượt 18% và 28%, sau khi lên xuống thất thường trong những tháng trước đó.
Tại EU, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 10 tăng 32%. Lũy kế 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 408 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Theo VASEP, dữ liệu xuất khẩu 10 tháng năm 2024 cho thấy triển vọng lạc quan tại từng thị trường lớn. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Giá tôm xuất khẩu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tôm chân trắng, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp. Giá nguyên liệu tôm cũng đang ở mức tích cực, điều này sẽ hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu. Với kết quả 10 tháng, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2024 đạt 4 tỷ USD hoàn toàn khả thi.
CÁ TRA CÓ KHẢ NĂNG VƯỢT MỐC 2 TỶ USD
Đối với mặt hàng cá tra, VASEP cho biết kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2024 đạt gần 202 triệu USD, tăng 17% so với tháng 10/2023. Lũy kế 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc và Hồng Kông vẫn là điểm đến lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tháng 10/2024, thị trường này tiêu thụ 61 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hồng Kông trong 10 tháng năm 2024 chỉ đạt 479 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ hai là Hoa Kỳ, trong tháng 10/2024, xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào thị trường này đạt hơn 35 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đạt hơn 291 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thống Donald Trump tái đắc cử lần 2 và sẽ chính thức nhậm chức vào đầu năm sau, dự báo sẽ có những chính sách mới về thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ, trong đó có cá tra. Tuy nhiên, tình hình được dự báo sẽ tốt lên, các đơn hàng sẽ tăng lên vì Việt Nam - Hoa Kỳ là đối tác chiến lược toàn diện, chưa kể có những chính sách riêng về thuế.
CPTPP là thị trường tiêu thụ nhiều cá tra nhiều thứ 3 của Việt Nam. 10 tháng năm 2024, xuất khẩu cá tra sang các quốc gia được trợ lực bởi Hiệp định CPTPP đạt hơn 224 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Với EU, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường này trong 10 tháng năm 2024 đạt gần 144 triệu USD, tăng nhẹ 0,04% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, vẫn có một số thị trường trong khối EU ghi nhận tăng trưởng 2 con số về nhập khẩu cá tra Việt Nam bao gồm: Lithuania, Ireland, Italy, Bỉ, Tây Ban Nha, Ba Lan, Bồ Đào Nha,...
Với kết quả của 10 tháng, VASEP dự báo năm 2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam có khả năng vượt mốc 2 tỷ USD, bởi những đơn hàng dịp cuối năm sẽ tiếp tục tăng để phục vụ lễ Tết và các kỳ nghỉ.
XUẤT KHẨU CÁ NGỪ PHỤC HỒI ĐÀ TĂNG TRƯỞNG
Đối với mặt hàng cá ngừ, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10/2024 đạt gần 93 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên trong 25 tháng qua, giá trị xuất khẩu cá ngừ theo tháng đã đạt mức hơn 90 triệu USD.
Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 821 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Theo VASEP, nếu duy trì được đà tăng trưởng này, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam có khả năng kết thúc năm 2024 với tổng kim ngạch đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2023.
Phân tích cụ thể hơn, VASEP cho biết xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam trong tháng 10/2024 đều tăng so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 có xu hướng tăng trưởng nhanh trong những tháng cuối năm nay.
Việc sử dụng hết hạn ngạch ưu đãi thuế quan và đối mặt với những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định liên quan đến chống khai thác IUU đã làm cản trở xuất khẩu cá ngừ sang EU trong những tháng cuối năm. Xuất khẩu sang khối thị trường này đã giảm 15% trong tháng 10/2024, tuy nhiên do có sự tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm nên tính lũy kế 10 tháng đầu năm xuất khẩu cá ngừ vẫn tăng 17%.
Ngược lại, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Hoa Kỳ sau khi tăng trưởng chậm lại trong quý 3, lại có xu hướng tăng tốc trở lại trong những tháng cuối năm. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong dịp lễ cuối năm tăng, cộng với những ảnh hưởng của cuộc bầu cử tổng thống đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu cá ngừ của nước này. Xuất khẩu cá ngừ sang Hoa Kỳ trong tháng 10/2024 đã tăng 30% so với tháng 10/2023.
Cùng với Hoa Kỳ, khối thị trường Trung Đông cũng đang gia tăng nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam. Xuất khẩu sang khối thị trường này đang ngày càng tăng nhanh, như Israel tăng 55%, Ai Cập tăng 70% hay Arập Xêut tăng 72%...
Đáng chú ý, sự phục hồi xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản trong tháng 10/2024 đã tăng gần 31% so với cùng kỳ năm trước. Bức tranh kinh tế Nhật Bản đã sáng lên rất nhiều sau chuỗi nhiều tháng dài ảm đạm. Cùng với kinh tế khởi sắc, đồng nội tệ của Nhật Bản đã mạnh lên đáng kể từ tháng 9 đang làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường này, trong đó có cá ngừ.