Xuất khẩu thủy sản dự báo phục hồi tích cực, nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep thông tin: Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023
Nhu cầu thủy sản dự báo sẽ phục hồi tích cực hơn từ quý III/2024, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thách thức. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá ngành hàng. Đây là nội dung được các doanh nghiệp chia sẻ tại Hội nghị toàn thể hội viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) năm 2024, tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10/6.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep thông tin: Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong top 4 thị trường hàng đầu, xuất khẩu sang Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%; trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%. Dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 sẽ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Theo phân tích của Vasep, thủy sản Việt Nam có lợi thế về chế biến sâu. Tại các Triển lãm thủy sản quốc tế tại Mỹ và EU năm nay, các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng được khách hàng đặc biệt quan tâm. Các sản phẩm chế biến hết sức phong phú, phối trộn với nhiều nguyên liệu được khách hàng thích thú và đánh giá cao sau khi nếm thử.
Hàng chế biến sâu phù hợp với xu hướng hiện nay người tiêu dùng bận rộn, có ít thời gian cho nấu nướng. Các sản phẩm này cũng mang lại cho doanh nghiệp biên lợi nhuận tốt hơn. Hơn nữa, Việt Nam có lợi thế về trình độ chế biến, tay nghề của người lao động cao. Quy trình sản xuất hàng giá trị gia tăng áp dụng công nghệ cao và khép kín sẽ đảm bảo được việc giữ nguyên hương vị tươi ngon của hải sản, đồng thời tăng năng suất với các sản phẩm đạt chất lượng cao.
Tuy nhiên, sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt... đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024.
Theo đó, xuất khẩu cá tra không có diễn biến ổn định và rõ ràng. Khi thị trường EU tiêu thụ rất chậm và khó khăn, doanh nghiệp tập trung nhiều vào thị trường Trung Quốc, tuy nhiên thị trường này rất bất ổn, giá liên tục giảm. Tại thị trường Mỹ, các doanh nghiệp tiếp tục lo ngại về vụ kiện chống bán phá giá, đang bước vào giai đoạn rà soát POR20. Ngoài ra, tình hình nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu cũng đang gặp những khó khăn về giống, dịch bệnh và cả áp lực về vấn đề môi trường và cạnh tranh với một số loài cá khác như cá lóc tại Trung Quốc, cá minh thái tại Mỹ, EU... Với mặt hàng tôm, ông Đỗ Ngọc Tài, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thủy sản Tài Kim Anh phân tích: Những tháng đầu năm, xuất khẩu tôm tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 do lượng tồn kho đã giảm. Tuy nhiên, ở các thị trường lớn như Mỹ, EU... lạm phát vẫn cao khiến người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, do ảnh hưởng xung đột ở nhiều khu vực khiến cước vận chuyển đường biển tăng vọt gây thêm áp lực lên giá thành. Ngay cả thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chịu sức ép lạm phát, tiêu thụ chậm, kim ngạch xuất khẩu tôm những tháng đầu năm giảm lần lượt 4% và 10%. Thị trường Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng cao khi tăng 41% nhưng từ nay đến cuối năm sẽ chịu cạnh tranh mạnh từ tôm Ấn Độ và Ecuado và Indonesia. Liên quan đến hải sản, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Bình Định cho biết: Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ thủy sản khai thác đã rất khó khăn về nguồn nguyên liệu, năm nay nguy cơ thiếu nguyên liệu càng lớn vì thời tiết nắng nóng, sản lượng khai thác giảm.
Nguồn nguyên liệu để xuất khẩu càng ngày càng kẹt trong “nút cổ chai” khi mà các văn bản của các cơ quan quản lý đang ngày càng siết chặt kiểm soát đối với nguyên liệu thủy sản khai thác trong nước cũng như nguyên liệu nhập khẩu. Có rất nhiều lý do khiến các doanh nghiệp mua nguyên liệu xong không được cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC), trong đó có lý do nhiều cảng cá và tàu cá không có chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận hết hạn…, trong khi doanh nghiệp không có nguồn thông tin nào để kiểm định được sự hợp pháp của các tàu cá, cảng cá về vấn đề an toàn thực phẩm.
Thêm vào đó, Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, cùng với Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đang gây hoang mang cho các doanh nghiệp làm hàng hải sản khai thác xuất khẩu vì một số nội dung mới có thể khó thực thi và khiến doanh nghiệp khó tránh khả năng bị vi phạm và xử phạt. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Vasep cho rằng: Trong bối cảnh thế giới nhiều thách thức, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2024. Để đạt mục tiêu đặt ra, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường; trong đó cần tập trung đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để tránh sự phụ thuộc, đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Ngành thủy sản phải xây dựng chiến lược phát triển phù hợp và tiên phong trong điều kiện mới nhằm tăng sức cạnh tranh, chủ động hơn trong kinh doanh, khẳng định vị trí và tiềm lực phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Song song đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng phải cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản có vai trò quan trọng trong phát triển ngành nông nghiệp cả nước. Ước tính, ngành thủy sản đóng góp 28% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu có thời điểm đã vượt qua 10 tỷ USD. Trước bối cảnh trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, ngành thủy sản cần tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng là gỡ thẻ vàng IUU, các địa phương thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát đội tàu. Doanh nghiệp tập trung đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiệp hội ngành hàng tăng cường tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; thường xuyên cập nhật thông tin, nhu cầu thị trường để nông dân, ngư dân tổ chức sản xuất, khai thác hợp lý, hiệu quả./.