Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc có cơ hội phục hồi
Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu trụ cột của nhiều sản phẩm thủy sản Việt Nam. Dự báo, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) có cơ hội phục hồi, kim ngạch năm 2023 dự kiến đạt 1,8 tỷ USD.
Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu trụ cột của nhiều sản phẩm thủy sản Việt Nam
Theo số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 7 cho Trung Quốc trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023. Tính đến hết tháng 10/2023, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 1,14 tỷ USD.
Tuy xuất khẩu cá tra và tôm sụt giảm song nhiều loài tăng trưởng mạnh như: tôm chân trắng, tôm sú, cá hố, cá chỉ vàng, cá thu, cá đổng, cá nục, bạch tuộc, nghêu... Các địa phương nhập khẩu thủy sản Việt Nam nhiều nhất là Quảng Đông, Trạm Giang, Quảng Tây, Phúc Kiến, Thượng Hải...
Theo nhận định của Vasep, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu trụ cột của nhiều sản phẩm thủy sản Việt Nam. Trong đó, cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc luôn chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trung Quốc cũng trong top 5 thị trường nhập khẩu nhiều tôm của Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay hệ thống hướng dẫn đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hơn 800 doanh nghiệp Việt Nam được công bố đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang nước này. Hiện Trung Quốc đã cấp 128 mã sản phẩm liên quan tới thủy sản của Việt Nam.
Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của Vasep cho biết, năm 2023 và những năm tới, có một số yếu tố thuận lợi, mang lại cơ hội và dư địa cho thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc.
Trước tiên, dịch Covid-19 đã chấm dứt, giao thương của Trung Quốc với thế giới hoàn toàn bình thường. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc có tín hiệu tích cực, nhu cầu thủy sản đang hồi phục như cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, mực, bạch tuộc.
Vị trí địa lý thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, chi phí logistic giảm và ít hơn so với các nước khác. Trung Quốc ngừng nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản, sẽ thay thế bằng các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam…
Một số chuyển dịch trong đầu tư kinh tế ở Trung Quốc cũng được coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam. Dường như các ngành kinh tế siêu lợi nhuận và sinh lợi cao được quan tâm đầu tư nhiều hơn, do vậy, đầu tư cho nuôi trồng thủy sản giảm, xuất khẩu thủy sản của nước này cũng giảm dần trong những năm gần đây do cả yếu tố Covid-19 và xu hướng chuyển dịch kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu. Những biến động địa chính trị, lạm phát, khủng hoảng năng lượng…khiến cho nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các nước lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản sụt giảm mạnh, trong khi nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng lên.
Xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể thu về khoảng trên 9 tỷ USD
Theo Vasep, nếu xung đột ở Trung Đông leo thang, chi phí nhiên liệu sẽ tăng trở lại và tiếp tục xảy ra khủng hoảng năng lượng kết hợp với lạm phát và lãi suất cao, dự báo xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu năm 2024 - 2025 sẽ càng khó khăn và Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu của nhiều nước xuất khẩu thủy sản.
Để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Vasep đề xuất, cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước với các địa phương Trung Quốc. Đồng thời, hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng khuyến nghị, để xuất khẩu thủy hải sản sống sang Trung Quốc, các cơ sở đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản sống như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm sống cần được Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thẩm định, chứng nhận điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc.
Các cơ sở nuôi và bao gói sản phẩm phải được cơ quan quản lý nông lâm thủy sản địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh thú y và được cấp mã số.
Vasep dự báo xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) có cơ hội phục hồi, kim ngạch năm 2023 dự kiến đạt 1,8 tỷ USD. Nếu tình hình những tháng cuối năm kinh tế ở các thị trường lớn phục hồi, doanh nghiệp có nội lực sản xuất, nguồn cung nguyên liệu ổn định và sản phẩm xuất khẩu có giá bán cạnh tranh, xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể thu về khoảng trên 9 tỷ USD.
Việt Nam đang đàm phán nhằm đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu. Hiện mặt hàng hàu sống đã cơ bản hoàn thành thủ tục, còn mặt hàng tôm ướp đá, sứa muối tiếp tục được đánh giá nguy cơ.