Xuất khẩu 'vàng nâu' bùng nổ, tháng mở hàng đầu năm thu về 763 triệu USD

Dù bị gián đoạn bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thế nhưng kim ngạch xuất khẩu loại hạt được ví như 'vàng nâu' của Việt Nam vẫn bùng nổ, thu về 763 triệu USD - mức cao kỷ lục lịch sử.

Thông tin mới nhất từ Bộ NN-PTNT, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 1/2025 đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu thế mạnh ghi nhận mức tăng trưởng âm trong tháng đầu năm như rau quả, gạo, hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ…

Song, xuất khẩu cà phê - loại hạt được ví như “vàng nâu” của người dân Tây Nguyên - lại bùng nổ, lập kỷ lục lịch sử.

Cụ thể, trong tháng mở hàng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê của nước ta chỉ đạt 140.000 tấn, giảm mạnh 41,1% so với tháng cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên giá trị thu về lại vọt lên 763 triệu USD, tăng 5%.

Nguyên nhân bởi giá cà phê xuất khẩu bình quân tháng 1 ước đạt 5.450 USD/tấn, tăng 78,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Đáng chú ý, với con số 763 triệu USD thu về trong tháng 1, cà phê chính thức vượt qua rau quả (400 triệu USD), thủy sản (750 triệu USD) để trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 của ngành nông nghiệp, chỉ sau gỗ và sản phẩm gỗ (1,4 tỷ USD).

Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,3 triệu tấn cà phê, giá trị đạt 5,62 tỷ USD, giảm 17,1% về khối lượng nhưng tăng 32,5% về giá trị so với năm 2023. Giá cà phê xuất khẩu bình quân năm 2024 đạt 4.178 USD/tấn, tăng 59,9%.

Đức, Italia và Tây Ban Nha là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 với thị phần lần lượt là 10,7%, 8,2% và 7,9%. Trong nhóm 15 thị trường chủ lực, xuất khẩu sang Malaysia ghi nhận mức tăng mạnh nhất (tăng 2 lần), sau đó là Hà Lan tăng 94%, xuất khẩu sang thị trường Bỉ tăng 9,3% là mức thấp nhất.

Ở nước ta, Robusta chiếm tới 90% diện tích cà phê. Đây là cà phê đặc sản của Việt Nam. Chuyên trang “bản đồ ẩm thực thế giới” Taste Atlas miêu tả khi rang, Robusta của Việt Nam có vị kiểu đường cháy, hơi đắng, nhưng kết hợp cùng sữa đặc sẽ tạo ra sự cân bằng. Nếu dùng Arabica, cà phê sẽ có vị chua, kết hợp với sữa sẽ "không nịnh miệng như Robusta".

Nhiều năm nay, Việt Nam trở thành nhà cung cấp Robusta số 1 thế giới. Thế nên, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, việc gián đoạn nguồn cung từ Việt Nam góp phần đẩy giá cà phê Robusta tăng mạnh, thiết lập kỷ lục mới 5.609 USD/tấn vào ngày 31/1 (mùng 2 Tết).

Giá cà phê Robusta lập kỷ lục mới, Việt Nam bán "vàng nâu" kiếm bộn tiền. Ảnh: Nguyễn Huế

Giá cà phê Robusta lập kỷ lục mới, Việt Nam bán "vàng nâu" kiếm bộn tiền. Ảnh: Nguyễn Huế

Hôm 6/2, trên sàn London, giá cà phê Robusta tiếp đà tăng, lên mức 5.643 USD/tấn cho kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025, kỳ hạn giao tháng 5 cũng tăng lên 5.646 USD/tấn.

Tại thị trường nội địa, giá cà phê nhân tăng lên ngưỡng 129.000-130.000 đồng/kg, tiệm cận mức đỉnh 131.000 đồng được ghi nhận vào thời điểm giữa năm 2024.

Với diễn biến giá thị trường như hiện nay, một số người còn kỳ vọng giá cà phê có thể chạm mốc 150.000 đồng/kg, thậm chí là cao hơn. Bởi theo thông lệ hàng năm, giá cà phê sẽ giảm khi vào thu hoạch rộ (tháng 11, tháng 12 và tháng 1 năm sau), sau đó sẽ vào đà tăng ở những tháng tiếp theo khi thế giới phụ thuộc vào nguồn cung của Việt Nam.

Nhận định về thị trường cà phê năm 2025, bà Nguyễn Thanh Thùy - Tổng giám đốc CTCP Cà Phê Golden Beans (SHIN Cà Phê) - nói với VietNamNet: “Thị trường cà phê thế giới và Việt Nam sẽ diễn ra không kém phần sôi động và có những bước ngoặt bất ngờ so với năm 2024”.

Theo bà Thùy, biến đổi khí hậu tiếp tục trở thành một vấn đề nóng trên toàn cầu, nhất là đối với loại cây trồng đặc thù như cà phê. Nhiều vùng trồng ở hai quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam đang chịu ảnh hưởng, gây khó khăn trong việc canh tác cà phê, khiến nguồn cung gặp nhiều khó khăn.

Năm 2025, xuất khẩu cà phê của nước ta được dự báo tăng thêm 1,8 triệu bao, lên 24,4 triệu bao. Tuy nhiên, bà Thùy cũng cảnh báo các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong vấn đề kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu cà phê đầu vào. Bởi, giá cà phê tăng cao không đồng nghĩa với việc sẽ có được chất lượng tương xứng.

Thực tế, năm 2024, dù xuất khẩu mặt hàng này lập kỷ lục lịch sử nhưng không ít doanh nghiệp xuất khẩu phải “lao đao” trong cuộc rượt đuổi về giá thành và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu.

Tuy vậy, nhìn theo hướng tích cực, lãnh đạo SHIN Cà Phê cho rằng, mức tiêu thụ cà phê của các thị trường lớn trên thế giới vẫn không ngừng tăng trưởng, tạo nên một tiền đề cũng như cơ hội rộng mở cho hoạt động xuất khẩu cà phê những năm tiếp theo.

Kèm theo đó, những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến ngành cà phê như thời tiết, cán cân cung - cầu và biến động địa chính trị sẽ mang tính quyết định đến tình hình thị trường, bao gồm những rủi ro cần đương đầu và cơ hội cần nắm bắt.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xuat-khau-vang-nau-bung-no-thang-mo-hang-dau-nam-thu-ve-763-trieu-usd-2368976.html