Xuất khẩu Việt Nam trước 'cơn gió ngược': Tận dụng lợi thế hay bị cuốn theo dòng xoáy?
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền đánh giá bức tranh xuất khẩu Việt Nam năm 2025 sẽ có nhiều điểm sáng, dòng vốn FDI sẽ quay trở lại và nhà máy sản xuất sẽ mọc lên nhiều hơn ở Việt Nam.
Năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước những "cơn gió ngược" xuất khẩu khi kinh tế thế giới đối mặt với nhiều biến động. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định nội lực, bứt phá vươn lên trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế cho rằng biến động chuỗi cung ứng toàn cầu đặt ra yêu cầu mới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với các quy định quốc tế.
Biến động và cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam
- Phóng viên: Thưa ông, năm 2024 đã chứng kiến kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt hơn 405 tỉ USD, tăng hơn 14% so với năm trước. Khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng tốt, nhưng khu vực FDI vẫn chiếm đa số. Ông có thể chia sẻ về những điểm sáng và mặt hạn chế trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm vừa qua?
+ Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế: Nhìn vào những con số, chúng ta thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam trong năm qua rất tốt. Đặc biệt, tăng trưởng gần 20% của khu vực kinh tế trong nước còn cao hơn khu vực nước ngoài. Điều này cho thấy khu vực trong nước ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh để xuất khẩu, thích ứng với thị trường xuất khẩu hơn.
Việc xuất khẩu tăng cho thấy kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu khởi sắc, sức mua tăng, tồn kho ở các thị trường giảm bớt, lạm phát ở các nước cơ bản được kiềm chế. Do đó, người dân mạnh dạn chi tiêu, sức mua khôi phục, tạo điều kiện cho Việt Nam xuất khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng còn một số hạn chế. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như điện thoại, linh kiện điện tử chủ yếu do doanh nghiệp FDI xuất khẩu. Các mặt hàng may mặc, da giày cũng có tỷ lệ lớn do doanh nghiệp FDI sản xuất. Trong khi đó, các mặt hàng nông sản, thủy sản mới thực sự là của doanh nghiệp trong nước.
Điều này cho thấy kinh tế của Việt Nam đang phụ thuộc vào FDI quá nhiều. Thứ hai, các doanh nghiệp xuất khẩu được chủ yếu là những doanh nghiệp đã thích ứng với thị trường xuất khẩu từ lâu, chẳng hạn như các công ty đa quốc gia FDI. Họ có lợi thế về tiêu chuẩn kỹ thuật, rào cản xanh, quản trị, tiêu chuẩn ngành, chính sách lao động.
![Tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam năm 2024 cũng là kết quả của chính sách mở cửa và tự do hóa thương mại của Chính phủ. Ảnh: QH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_114_51429862/112ecf07f5491c174558.jpg)
Tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam năm 2024 cũng là kết quả của chính sách mở cửa và tự do hóa thương mại của Chính phủ. Ảnh: QH
- Trước những khó khăn như vậy, mục tiêu đặt ra là xuất khẩu trong năm nay sẽ tăng trên 12% so với năm 2024, đặc biệt là khi có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ông đánh giá liệu mục tiêu đó có đạt được hay không?
+ Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trên 12% là hoàn toàn khả thi. Năm 2024 đã tạo tiền đề tốt cho năm 2025. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng rất thách thức. Thách thức lớn nhất là Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chính sách của Mỹ là muốn khôi phục sản xuất trong nước bằng cách đánh thuế nhập khẩu. Việt Nam cũng là một trong những nước mà Mỹ thâm hụt thương mại lớn.
Tuy nhiên, tôi nghĩ Mỹ sẽ không đánh thuế Việt Nam nhiều vì Mỹ luôn coi khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một đối tác chiến lược. Mỹ cần kiềm chế Trung Quốc và phải chơi với các nước còn lại.
Rủi ro lớn nhất ở thị trường Mỹ là Việt Nam chưa được công nhận nền kinh tế thị trường. Do đó, các hội ngành nghề của Mỹ có thể kiện chống bán phá giá, áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam. Tại châu Âu, rủi ro là cơ chế CBAM - cơ chế về biên giới carbon. Đến năm 2026, tất cả các nước sẽ bị đánh thuế carbon. Châu Âu cũng thắt chặt các tiêu chuẩn xanh. Doanh nghiệp FDI không ngại các tiêu chuẩn này vì họ có tiềm lực tài chính, hệ thống toàn cầu, nhưng doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn.
![Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_114_51429862/6609b920836e6a30337f.jpg)
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế.
Trung Quốc cũng có nhiều thay đổi khi siết chặt vấn đề truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng nông sản nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước ASEAN, Ấn Độ. Chi phí sản xuất, nguyên phụ liệu, tiêu chuẩn xanh, chi phí nhân công, vận chuyển cũng tăng.
Tuy nhiên, nếu phấn đấu nỗ lực, việc tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam đạt 12% là hoàn toàn khả thi.
Tôi thấy cơ hội nhiều hơn thách thức cho xuất khẩu Việt Nam trong năm nay. Thứ nhất, khi Mỹ hạn chế thương mại với các nước khác, Việt Nam có thể gia tăng thị phần tại thị trường Mỹ. Thứ hai, châu Âu tuy có tiêu chuẩn khắt khe, nhưng Việt Nam có thể làm được khi hợp tác với các tổ chức chứng nhận quốc tế. Thứ ba, Việt Nam vẫn có thể gia tăng xuất khẩu tại chỗ cho các doanh nghiệp FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang đầu tư mở nhà máy nhiều tại nước ta.
- Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền -
![Bức tranh xuất khẩu Việt Nam năm 2025 sẽ tốt hơn, các doanh nghiệp FDI đầu tư nhà máy sản xuất nhiều hơn ở Việt Nam. Ảnh: QH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_114_51429862/a99875b14fffa6a1ffee.jpg)
Bức tranh xuất khẩu Việt Nam năm 2025 sẽ tốt hơn, các doanh nghiệp FDI đầu tư nhà máy sản xuất nhiều hơn ở Việt Nam. Ảnh: QH
Cuộc chơi giá trị và thương hiệu
- Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã vượt 100 tỉ USD trong năm 2024 và xuất hiện "cơn gió ngược" trong chính sách thuế nhập khẩu đầu năm 2025. Ngoài ra, các thị trường lớn khác như Trung Quốc, EU, Nhật Bản cũng có những thay đổi trong chính sách thương mại. Đa dạng hóa thị trường liệu có phải là giải pháp khả thi cho hàng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2025 "vượt gió"?
+ Để ứng phó trước các thách thức, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, không quá phụ thuộc vào một đối tác duy nhất. Đồng thời, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện tính minh bạch trong xuất xứ hàng hóa sẽ giúp giảm nguy cơ bị áp dụng biện pháp thương mại bất lợi.
![Đa dạng hóa thị trường, đầu tư sản phẩm chế biến sâu để cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp "vượt gió". Ảnh: QH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_114_51429862/61f3bcda86946fca3685.jpg)
Đa dạng hóa thị trường, đầu tư sản phẩm chế biến sâu để cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp "vượt gió". Ảnh: QH
Chính phủ đang tích cực thúc đẩy đa dạng hóa thị trường với 16 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường mới. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa cần linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài Mỹ, EU và Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước trong khối CPTPP, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi.
Điều quan trọng nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm và chuỗi cung ứng.
- Trước yêu cầu nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu, theo ông, các doanh nghiệp và ngành hàng cần có những chiến lược và giải pháp gì để thực hiện chuyển đổi này, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt?
+ Muốn nâng cao giá trị gia tăng, doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển từ mô hình sản xuất gia công sang phát triển sản phẩm có thương hiệu riêng. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản vào nghiên cứu và phát triển (R&D), từ khâu thiết kế, công nghệ sản xuất cho đến tiếp thị thương hiệu.
Ngoài ra, việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa cũng rất quan trọng. Nếu doanh nghiệp chỉ nhập nguyên liệu từ nước ngoài rồi gia công, giá trị gia tăng sẽ rất thấp. Ngược lại, nếu tự chủ được nguyên liệu, áp dụng công nghệ tiên tiến, tỷ suất lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều.
![Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuyển từ mô hình sản xuất gia công sang phát triển sản phẩm có thương hiệu riêng. Ảnh: QH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_114_51429862/9f634d4a77049e5ac715.jpg)
Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuyển từ mô hình sản xuất gia công sang phát triển sản phẩm có thương hiệu riêng. Ảnh: QH
Doanh nghiệp cũng cần tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, như chế biến sâu trong ngành nông sản, sản xuất các linh kiện công nghệ cao thay vì chỉ lắp ráp. Bên cạnh đó, cần tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường và hưởng ưu đãi thuế quan.
Chuyển đổi này không dễ, nhưng nếu không làm, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mãi chỉ ở vai trò gia công, xuất khẩu thô không thể cạnh tranh được trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Kiểm soát chặt nhập khẩu không sợ bị "vạ lây"
- Nhiều ý kiến lo ngại khi Mỹ đánh thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam có thể bị vạ lây, hoặc một số doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng xuất xứ Việt Nam để trốn thuế. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
+ Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền: Việc một số doanh nghiệp muốn mượn xuất xứ Việt Nam xuất khẩu để lẩn tránh thuế là vấn đề đang được Việt Nam kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, chuyện đó không phổ biến, hiện các cơ quan chức năng đã kiểm soát chặt chẽ đường đi hàng nhập khẩu.
Việc Mỹ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp... để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước mới là điều đáng lo ngại.
Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nên bỏ cạnh tranh về giá mà phải tăng giá trị, xây dựng thương hiệu. Ảnh: QH
Doanh nghiệp Việt không thể cạnh tranh bằng giá xuất khẩu rẻ nữa. Doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng giá trị và thương hiệu sản phẩm, minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ không còn lo bị các nước nhập khẩu nhăm nhe đánh thuế chống bán phá giá nữa.
Đối với những trường hợp hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị điều tra áp thuế phòng vệ thương mại thì đại sứ quán, tham tán thương mại Việt Nam tại đây cùng Bộ ngành phối hợp chặt chẽ với các hội ngành nghề, doanh nghiệp để phản biện kịp thời.