Sản xuất công nghiệp tháng 01/2025 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước
Tết Nguyên đán Ất Tỵ diễn ra trong tháng 1/2025 nên số ngày làm việc ít hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2025 ước tính giảm 9,2% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6%.
Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2025 ước tính giảm 9,2% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện tăng 0,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%. Riêng ngành khai khoáng giảm 10,4%.
Một trong những yếu tố tác động tới sản xuất công nghiệp tháng đầu năm 2025 đó là Tết Nguyên đán Ất Tỵ diễn ra trong tháng 1/2025 nên số ngày làm việc ít hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
![Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01/2025 ước tính giảm 9,2% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_503_51430936/497e1a792037c9699026.jpg)
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01/2025 ước tính giảm 9,2% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp tháng 1/2025 tăng ở 47 địa phương
Tốc độ tăng/giảm chỉ số IIP tháng 01/2025 so với tháng trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn: Thái Nguyên tăng 4,0%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,8%; Cần Thơ giảm 2,8%; Quảng Nam giảm 4,3%; Thanh Hóa giảm 5,5%; Quảng Ninh giảm 6,9%; Hải Dương giảm 10,6%; Đồng Nai giảm 11,8%; Hải Phòng giảm 13,2%; Bình Dương giảm 13,5%; Hà Nội giảm 15,2%; Bắc Ninh giảm 15,4%; Bắc Giang giảm 16,3%; Quảng Ngãi giảm 19,4%; Vĩnh Phúc giảm 20,6%; Đà Nẵng giảm 17,1%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 21,1%.
Tốc độ tăng/giảm chỉ số sản xuất tháng 01/2025 của một số ngành trọng điểm cấp II so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ tăng 33,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 10,3%; sản xuất trang phục tăng 6,1%; dệt tăng 4,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 3,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 3,5%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,1%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 29,1%; khai thác than cứng và than non giảm 20,1%; sản xuất thiết bị điện giảm 11,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 8,4%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 7,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 6,5%.
![(Nguồn: Tổng cục Thống kê)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_503_51430936/c29c939ba9d5408b19c4.jpg)
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2025 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 47 địa phương và giảm ở 16 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2025 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Nam Định tăng 29,9%; Bắc Kạn tăng 28,5%; Bến Tre tăng 24,2%; Bình Phước tăng 17,0%; Kiên Giang tăng 16,6%; Hải Phòng tăng 16,3%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Trà Vinh tăng 56,0%; Khánh Hòa tăng 30,8%; Bình Thuận tăng 20,6%; Đắk Lắk tăng 18,1%; Bắc Kạn tăng 14,8%.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2025 giảm so với cùng kỳ năm trước là: Cà Mau giảm 16,3%; Gia Lai giảm 13,2%; Hà Tĩnh giảm 10,4%; Hà Nội giảm 9,8%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 9,3%; Đà Nẵng giảm 8,9%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tháng 01/2025 so với cùng kỳ năm trước giảm: Bạc Liêu giảm 23,8%; Gia Lai giảm 14,2%; Hà Tĩnh giảm 12,7%. Địa phương có ngành khai khoáng tháng 01/2025 so với năm trước giảm: Vĩnh Phúc giảm 62,0%; Gia Lai giảm 59,8%; Đà Nẵng giảm 50,9%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2025 tăng 0,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và tăng 1,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước không đổi và tăng 3,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,3% và tăng 4,9%.
Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,3% so với thời điểm tháng trước và không đổi so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,2% và tăng 4,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,1% và tăng 0,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải không đổi và tăng 1,1%.
Năm 2025, sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Bộ Công Thương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2025 tăng khoảng 9-10% so với năm 2024.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý của nhà nước với phát triển công nghiệp, hạn chế sự chồng chéo, bảo đảm tính ổn định, nhất quán, khuyến khích phát triển sản xuất Tăng cường thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp. Hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong xã hội và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư cả về nguồn vốn và phạm vi. Kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án quan trọng trong danh mục dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi FDI.
Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt. Xây dựng cơ chế và lộ trình phát triển số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt quan tâm phát triển doanh nghiệp hỗ trợ. Có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối doanh nghiệp cũng như tăng cường xúc tiến, thu hút, tìm kiếm đối tác đầu tư từ nước ngoài.
Tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...