Xuất nhập khẩu năm 2022 sẽ cán đích 700 tỉ USD
15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt, các FTA thế hệ mới sẽ tạo bước đột phá về thương mại, mang về thặng dư thương mại lớn trong năm 2022, tạo đà cho tăng trưởng cả giai đoạn 2022-2023.
15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt, các FTA thế hệ mới sẽ tạo bước đột phá về thương mại, mang về thặng dư thương mại lớn trong năm 2022, tạo đà cho tăng trưởng cả giai đoạn 2022-2023.
"Bùng nổ" giá trị XK nhờ tác động từ các FTA thế hệ mới
Trong 4 tháng đầu năm 2022, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng xuất khẩu (XK) của Việt Nam vẫn phục hồi mạnh mẽ: Tổng giá trị kim ngạch XK 4 tháng đầu năm 2022 đạt 122,4 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả nêu trên không chỉ thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống, đặc biệt là của các doanh nghiệp (DN) đã biến thách thức thành cơ hội; khả năng chống chịu của các DN, tính linh hoạt, tìm tòi, sáng tạo của các doanh nhân, doanh nghiệp (DN), mà còn cho thấy "sức mạnh” của các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA) và mới đây là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) (có hiệu lực thi hành từ 1.1.2022).
Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), các FTA thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP…, đã hỗ trợ ngành chế biến gỗ Việt Nam đẩy mạnh XK ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia không có hiệp định. Kết quả cho thấy, trong thời gian qua, các mặt hàng nội thất bằng gỗ XK đều tăng mạnh, dẫn đầu là nội thất phòng khách, phòng ăn, tiếp theo là nội thất phòng ngủ.
Qua kết quả khảo sát tại 100 thị trường của Trung tâm Nghiên cứu công nghiệp Italy (CSIL), năm 2022, thị trường đồ gỗ toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4%.
Theo bà Nguyễn Hà - Chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I/2022, XK cá ngừ của Việt Nam đã đạt hơn 259 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch COVID-19. Đây là kết quả XK cá ngừ cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm qua.
Sự tăng trưởng rất ấn tượng của XK cá ngừ trong những tháng đầu năm nay một phần rất lớn nhờ ảnh hưởng tích cực của các FTA, trong đó, EVFTA đã hỗ trợ đưa kim ngạch XK cá ngừ sang EU trong quý I/2022 đạt gần 38 triệu USD, tăng tới 33% so với cùng kỳ năm trước.
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), các FTA chính là chất xúc tác đẩy thương mại song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nước phát triển mạnh mẽ.
"Cùng với nỗ lực của DN cũng như cơ hội mà các FTA mang lại, XNK năm 2022 sẽ "bùng nổ" và có thể lập kỷ lục mới 750 tỉ USD" - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nói.
Nhiều cơ hội mà FTA mang lại chưa được tận dụng hết
Theo các chuyên gia kinh tế, cơ hội mà các FTA mang lại cho DN là rất lớn. Tuy nhiên, do một số hạn chế, các DN chưa tận dụng hết cơ các hội này. Trong đó, năng lực tự chủ về logistics được coi là "nút thắt" lớn nhất.
"Việt Nam cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, xây dựng được đội tàu siêu trường, siêu trọng cùng với hạ tầng logistics hiện đại để đáp ứng nhu cầu XNK, không phụ thuộc vào đội tàu của các DN ngoại như hiện nay" - Chủ tịch JCI Việt Nam Vũ Tuấn Anh khẳng định.
Còn theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) khẳng định: Để tận dụng lợi thế mà các FTA mang lại, các DN phải hiểu rõ hiệp định có thể mang lại thuận lợi gì trong lĩnh vực của mình, cho những mặt hàng của mình. Qua đó, doanh nghiệp có thể thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi nguồn cung nguyên liệu, đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa và được hưởng mức thuế ưu đãi mà FTA mang lại.
Thực tế cho thấy, phần lớn các FTA chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm các dòng thuế, tuy nhiên không ít đối tác sau đó vẫn có xu hướng bảo hộ thông qua việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật mới, những yêu cầu khắt khe khác (ví dụ vấn đề lao động, bảo vệ môi trường, yêu cầu xuất xứ hàng hóa, nguyên liệu đầu vào…). Điều này dẫn đến, dù hàng rào thuế quan giảm xuống nhưng hàng rào phi thuế quan lại gia tăng, khiến nhiều DN Việt Nam gặp vướng mắc, nếu không cải thiện các mô hình kinh doanh, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ, tái sắp xếp chuỗi cung ứng đầu vào thì vẫn không đủ điều kiện để thâm nhập vào các thị trường mới.