Xuất nhập khẩu tháng 7 tiếp tục có nhiều dấu hiệu khởi sắc
Trong tháng 7, nền kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước.
Xuất nhập khẩu tăng 2,5% so với tháng trước
Theo Bộ Công Thương, với các biện pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7 đã có những tín hiệu tích cực khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước.
Cụ thể, về xuất khẩu hàng hóa, trong tháng 7, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 0,8% so với tháng trước, ước đạt 29,68 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai kể từ tháng 11/2022 đến nay (chỉ thấp hơn kim ngạch xuất khẩu của tháng 3/2023, đạt 29,71 tỷ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,76 tỷ USD, giảm 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,92 tỷ USD, tăng 1,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 giảm 3,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 4,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 3,2%.
Đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 7 đến từ nhóm hàng công nghiệp chế biến với kim ngạch tăng 1,1% so với tháng trước, ước đạt 25,12 tỷ USD, chiếm 84,65% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chính có xu hướng tăng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ…
Đơn cử, trong tháng 7/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 1,1 tỷ USD, đưa kim ngạch 7 tháng lên 7,1 tỷ USD. Dù kim ngạch xuất khẩu gỗ chưa thể tăng mạnh song con số kim ngạch của tháng 7/2023 đã gần ngang bằng với kim ngạch của tháng 7/2022, cho thấy tín hiệu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã dần phục hồi.
Nhiều chính sách gỡ khó được thực hiện
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ; tổ chức triển khai các Luật, Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, góp phần củng cố niềm tin, đẩy nhanh xu hướng phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai các Luật, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội; chủ động báo cáo Bộ Chính trị về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp đột phá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định để thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế; điều hành chủ động, linh hoạt, thích ứng, xử lý các vướng mắc, tranh thủ tối đa cơ hội từ thế giới, trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao, nhất là ngoại giao kinh tế...
Tính chung 7 tháng, Chính phủ ban hành 50 Nghị định, 130 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 19 Quyết định quy phạm pháp luật, 945 Quyết định cá biệt, 23 Chỉ thị. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương; ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, kịp thời nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện: giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực;
Miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất.., đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định trong các lĩnh vực: bất động sản, đầu tư, môi trường, y tế, đăng kiểm, phòng cháy chữa cháy, trái phiếu doanh nghiệp, thu hút đầu tư, liên kết vùng...
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023
Theo ông Khánh Vũ, Phó giám đốc điều hành của quỹ đầu tư VinaCapital Fund Management dự đoán thị trường Việt Nam sẽ ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập trung bình là 10% vào năm 2023 và 25% vào năm 2024.
Việc thận trọng trong hoạt động cho vay, tập trung vào các lĩnh vực chẳng hạn như sản xuất, vận tải, hậu cần, và xây dựng đã trực tiếp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
"Việt Nam hiện có 16 hiệp định thương mại tự do với một số quốc gia và khối thương mại. Việt Nam cũng có 3 hiệp định khác đang được đàm phán. Tốc độ giải ngân vốn FDI vẫn đang tăng trưởng tích cực từ đầu năm đến nay và kỳ vọng sẽ có sự gia tăng đầu tư trong nửa cuối năm 2023" - Chuyên gia cho biết.
Về thu hút vốn FDI, ông Vũ cho biết, khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng thì dòng vốn FDI ngày càng trở nên quan trọng. Đang có nhiều thương hiệu toàn cầu quyết định mở cơ sở hoạt động tại Việt Nam.
Mặc dù đây là những động thái tích cực nhưng Việt Nam về lâu dài cũng không thể dựa mãi vào sản xuất hoặc dịch vụ có tay nghề thấp.
"Về dài hạn, Việt Nam cần đảm bảo rằng sẽ tiếp tục thăng hạng trong chuỗi giá trị sản xuất. Bạn có thể thấy là nhiều công ty công nghệ cao đang chuyển đến Việt Nam nhờ lực lượng lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng được cải thiện và hậu cần cũng như môi trường kinh doanh thuận lợi"- Ông Vũ đánh giá.