Xuất nhập khẩu yếu đi khiến doanh nghiệp cảng biển gặp khó

Sự yếu đi của hoạt động xuất nhập khẩu được phản ánh rõ rệt trong kết quả kinh doanh sa sút vừa qua của một số công ty cảng biển. Không những vậy, tính cạnh tranh gay gắt và trước bối cảnh thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm tiêu cực hơn so với dự tính đang đòi hỏi các doanh nghiệp ngành này thích ứng tốt hơn.

Mới đây, một doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực cảng biển là CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu đang chững lại.

Sản lượng khai thác giảm, lợi nhuận lao dốc

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của HAH đạt hơn 119 tỷ đồng, giảm 40,47% so với cùng kỳ năm trước (đạt hơn 387 tỷ đồng). Doanh thu của công ty đạt hơn 655 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm 2022.

Sự yếu đi của hoạt động xuất nhập khẩu được phản ánh rõ rệt trong kết quả kinh doanh từ đầu năm 2023 đến nay của một số công ty cảng biển.

Sự yếu đi của hoạt động xuất nhập khẩu được phản ánh rõ rệt trong kết quả kinh doanh từ đầu năm 2023 đến nay của một số công ty cảng biển.

Trong giải trình về tình hình kinh doanh, ông Vũ Thanh Hải, Tổng giám đốc của HAH, nêu rõ sản lượng khai thác giảm, giá cước biển và cho thuê tàu đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, chi phí tăng dẫn đến lợi nhuận hoạt động tàu giảm mạnh.

Dự báo trước tình hình khó khăn, trong báo cáo chuẩn bị cho Đại hội cổ đông thường niên 2023 (dự kiến diễn ra vào tháng 6/2023), lãnh đạo HAH đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất sau thuế trong năm nay đạt 492 tỷ đồng, tức giảm tới 41% so với thực hiện năm 2022.

Riêng với mảng cảng biển, HAH hiện sở hữu 1 cảng biển ở miền Bắc là cảng Hải An với sản lượng trung bình hơn 300.000 TEU/năm. Bên cạnh đó, HAH cũng đã đầu tư vào các bãi container, kho CFS, depot (cả tự khai thác và liên kết với Pantos Holdings) với sản lượng ngày càng tăng qua các năm.

Một công ty cảng biển khác là CTCP Container Việt Nam (VSC) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023, cho thấy doanh thu đạt 463,27 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 42,83 tỷ đồng, giảm 60,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn vào nhiều thách thức như hiện nay, VSC đã đặt chỉ tiêu về lợi nhuận sụt giảm đến 45,5% so với thực hiện trong năm 2022.

Trong báo cáo mới phát hành ngày 10/5 về ngành cảng biển, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng sự yếu đi của hoạt động xuất nhập khẩu được phản ánh rõ rệt trong kết quả kinh doanh quý 1/2023 của một số công ty cảng biển.

Với trường hợp của HAH, theo chuyên gia phân tích của Mirae Asset, hoạt động kinh doanh của DN này có khả năng bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Sau khi tăng vọt trong năm 2022, dự phóng kết quả kinh doanh của HAH trong năm 2023 sẽ trở lại mức của năm 2021 do giá vận chuyển đã hạ nhiệt. Dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 lần lượt là 2.823,7 tỷ đồng (giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022) và 414,4 tỷ đồng (giảm 49,5%).

Cạnh tranh càng thêm gay gắt

Cũng theo Mirae Asset, trong quý 1/2023 vừa qua, các công ty có hoạt động chính là khai thác cảng biển như CTCP Gemadept (GMD), CTCP Container Việt Nam (VSC), CTCP Cảng Đình Vũ (DVP) ghi nhận doanh thu thay đổi không đáng kể và biên lợi nhuận hoạt động sụt giảm, kéo theo suy giảm mạnh lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chính của tình trạng sa sút này là do sản lượng thông quan cảng biển có sự sụt giảm đáng kể. Trong quý 1/2023, tổng khối lượng thông quan cảng biển Việt Nam ước đạt 165,2 triệu tấn (giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, khối lượng hàng xuất khẩu ước đạt 42,5 triệu tấn (giảm 7,5%), hàng nhập khẩu đạt 48,8 triệu tấn (giảm 4,8%), hàng nội địa đạt 73,5 triệu tấn (giảm 10,3%), hàng quá cảnh đạt 375.000 tấn (giảm 6.9%).

Với CTCP Gemadept (GMD), giới phân tích dự phóng sản lượng và doanh thu cảng biển năm 2023 sẽ không đổi, nhưng doanh thu từ logistics có thể giảm. Đáng chú ý là việc thoái vốn của GMD khỏi cảng Nam Hải Đình Vũ (có công suất 500.000 TEU/năm, tiếp nhận tàu lớn nhất lên tới 50.000 DWT), bên mua đã được xác nhận là CTCP Container Việt Nam và thương vụ có giá trị tiềm năng là 2.250 tỷ đồng.

Giới chuyên gia nhận định việc mở rộng gần đây tại khu vực Đình Vũ và cụm Lạch Huyện tạo áp lực cạnh tranh đối với hoạt động của GMD tại khu vực Hải Phòng.

Trong khi đó, với VSC, chi phí hoạt động và chi phí tài chính tăng tạo áp lực khiến biên lợi nhuận giảm mạnh trong năm nay. Theo dự báo của Mirae Asset, lợi nhuận sau thuế của công ty này sẽ là 187,1 tỷ đồng (giảm 52,4% so với năm 2022). Rủi ro chính là do hoạt động xuất nhập khẩu chững lại làm giảm tăng trưởng thông quan và có thể ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận, và áp lực cạnh tranh tại khu vực Hải Phòng.

Cần nhắc lại, hồi tháng 4/2023, VSC đã nhận chuyển nhượng phần vốn tại Công ty Cảng Nam Hải Đình Vũ. Qua đó giúp công ty trở thành DN cảng lớn nhất tại khu vực Hải Phòng trong năm 2023 với tổng công suất khoảng 2,6 triệu TEU, tăng 36% so với cùng kỳ và chiếm 30% thị phần khu vực này.

Từ hoạt động thâu tóm nêu trên sẽ thấy dù tình hình xuất nhập khẩu yếu đi có ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của DN cảng biển nhưng tính cạnh tranh ở ngành này vẫn khá khốc liệt.

Nhận định về năm nay, VSC cho rằng cạnh tranh trong các mảng dịch vụ chính của công ty vẫn hiện hữu. Điển hình như mảng khai thác cảng biển tại Hải Phòng trong năm 2023 khi Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) hoàn thành nạo vét đón tàu cỡ lớn chia sẻ nguồn hàng với các cảng feeder truyền thống (cảng với chức năng chính là đưa hàng hóa lên các tàu feeder - tàu con chuyên gom container, để trung chuyển sang cảng tập trung). Chưa kể, do kinh tế giảm phát ở những thị trường lớn nên các hãng tàu phải tạm thời dừng hoặc tái cơ cấu lại tuyến dịch vụ ở Hải Phòng.

Nhìn chung, để cải thiện doanh thu và lợi nhuận, các DN cảng biển vẫn đang trông chờ vào tình hình xuất nhập khẩu và thông quan sẽ sáng sủa hơn trong thời gian tới. Nhưng bên cạnh đó, các DN này sẽ cần thích ứng tốt hơn trước bối cảnh thương mại hàng hòa toàn cầu suy giảm tiêu cực hơn so với dự tính. Và trước mức độ cạnh tranh gay gắt cũng đòi hỏi các DN cảng biển có giải pháp tốt hơn để giữ chân khách hàng.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/xuat-nhap-khau-yeu-di-khien-doanh-nghiep-cang-bien-gap-kho-1092481.html