Xúc động cụ bà cõng đồ ủng hộ đồng bào miền Trung
Những ngày vừa qua trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip cụ bà hơn 80 tuổi cõng đồ trên lưng còng, ủng hộ đồng bào lũ lụt, khiến nhiều người xem xúc động.
Ngày 21/10, mạng xã hội lan truyền video ghi lại hình ảnh một cụ bà lưng còng, đi chân đất, tay chống gậy vác trên lưng bao tải chứa quần áo, mì tôm bị rách một góc đến nơi tập kết để gửi xe cứu trợ gửi vào ủng hộ miền Trung. Người trong video ấy là cụ bà Nguyễn Thị Thư, năm nay đã hơn 80 tuổi,sống tại phường Hoàng Tân, TP Chí Linh, Hải Dương.
Trước đó, chiều 20/10, cụ Thư thấy mọi người mang đồ ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt nên cũng về nhà lấy hết số mì tôm trong thùng, cùng hai bao quần áo cũ để mang ra đóng góp.
Cụ Nguyễn Thị Thư, hơn 80 tuổi (phường Hoàng Tân, TP Chí Linh, Hải Dương).
Tìm về nơi cụ bà sinh sống tại khu dân cư Đại Bát (phường Hoàng Tân, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), khi hỏi thăm về cụ Nguyễn Thị Thư, người dân nơi đây ai ai cũng biết.
"Ôi ngày nào cụ chẳng chống gậy đi khắp xóm, cụ vui vẻ lắm gặp ai cũng cười nói vô tư. Không thấy cụ ấy đi chơi là thấy thiếu thiếu rồi. Nhiều khi mọi người hay gọi cụ là "cụ Cách" vì gọi theo tên chồng của cụ", một người hàng xóm cạnh nhà cụ Thư cười nói.
Nhà cụ Thư nằm trong một khu dân cư yên bình. Khi chúng tôi đến, cụ vẫn mải mê cười nói rôm rả với mấy người bạn hàng xóm cạnh nhà. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cần có con cháu bên cạnh chăm sóc, ấy vậy mà cụ vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn lắm. Chưa rõ chúng tôi là ai, từ đâu đến cụ đã ra tận cổng cười nói đón chúng tôi vào.
Cụ Thư vui vẻ, vô tư là vậy nhưng ít ai biết rằng từ khi sinh ra cụ đã trải qua vô vàn biến cố, thăng trầm của cuộc sống. Hồi còn nhỏ, cụ chẳng biết ba mẹ ruột của mình là ai. Cụ được một gia đình nhận nuôi rồi lớn lên trong tình yêu thương của ba mẹ nuôi.
Lớn lên, cụ đi lấy chồng rồi sinh được 6 người con. Vợ chồng cụ đi mò cua bắt ốc tích góp từng đồng nuôi 6 đứa con khôn lớn, thành đạt. Bao nhiêu khổ cực, thăng trầm cụ đều đã nếm trải.
"Xưa tôi khổ lắm chứ, đi lấy chồng rồi hai vợ chồng mò cua bắt ốc nuôi mấy đứa con. Bố mẹ nuôi chăm tôi lớn, tôi cũng không biết bố mẹ ruột mình là ai, mãi đến sau này tôi mới tìm được. Bao nhiêu cảnh khổ cực tôi cũng nếm trải hết rồi, giờ thì tôi vô tư, con cái lớn hết rồi còn gì mà phải lo nữa", cụ Thư tâm sự.
Giờ đây, cụ Thư sống cùng con trai thứ 5 nhưng vẫn tự mua đồ nấu ăn hàng ngày. Các con cụ vẫn luôn bảo cụ ăn, sinh hoạt cùng con cháu cho vui cửa vui nhà nhưng cụ không thích vậy. Cụ không muốn phiền đến các con, cụ sống tự lập quen rồi, khi nào thích ăn thì ăn, thích ngủ thì ngủ. Cụ bảo vậy thoải mái hơn.
Khi nhắc đến quần áo ủng hộ của cụ, cụ đã vội vào trong bê nguyên toàn bộ thùng quần áo của mình ra cho mọi người xem.
Chiếc thùng chứa quần áo được cụ buộc kỹ, cận thận.
Bên trong rất nhiều quần áo cũ được cụ giữ cận thận. Cụ bảo quần áo từ thời còn trẻ cụ vẫn còn giữ nên từ thiện thoải mái không lo hết quần áo mặc
Đã hơn 80 tuổi nên cụ được trợ cấp tuổi già hơn hai trăm nghìn đồng mỗi tháng. Cụ bảo dù mình có vất vả ra sao thì vẫn sướng hơn đồng bào miền Trung đang phải tránh lũ "ngủ trên nóc nhà".
Từ thiện mì tôm xong, cụ lại mua thêm mì tôm về. Cụ chia sẻ: "Hôm nay tôi lại mua mấy gói mỳ tôm mới để ăn rồi, ủng hộ hết tôi lại mua. Hôm đó mà có gạo thì tôi cũng mang ra ủng hộ rồi, hết tôi lại mua lo gì"
Cụ thư thích nấu ăn 1 mình, đơn giản và thoải mái.
Thi thoảng vào câu chuyện, cụ có nụ cười hiếm hoi của tuổi già.
"Tôi giờ sống đơn giản lắm, vẫn khỏe nên tự làm được hết, không cần nhờ ai. Chiều thấy tối trời là lên giường đi ngủ thôi", cụ Thư nói trong vui vẻ.
Đôi bàn tay gầy guộc, sần sùi của cụ Thư.
Ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", đôi bàn chân của cụ Thư cũng đã trải qua rất nhiều thăng trầm của cuộc đời.
Cụ ở 1 mình trong căn phòng nhỏ, cạnh nhà của con trai nên sinh hoạt cũng riêng tư.
Hằng ngày, cụ ở nhà bầu bạn với chú chó nhỏ đáng yêu.
Cụ bảo có con chó nhỏ cụ cũng đỡ buồn hơn vì con trai đi làm cả ngày đến tối mới về.
Ngoài có chú cún xinh bầu bạn, cụ có thêm chiếc đài radio nhỏ nhắn.
Cụ Thư có chiếc đài radio nhỏ chạy bằng pin, mua mấy chục ngàn đồng từ hơn 10 năm trước đây, hàng ngày cụ vẫn cập nhật tin tức thời tiết, bão lũ miền Trung từ đó.
Cụ bảo: "Buộc dây thế thôi nhưng vẫn còn chạy tốt lắm đấy, ngày nào tôi cũng theo dõi tình hình thời tiết ở đó. Hôm nào muốn xem hình ảnh thì lại bảo các cháu nó bật mạng (internet) lên cho xem. Nhìn thấy người dân trong đó lũ lụt như vậy tôi xót lắm. Chỉ biết góp một ít, mong muốn mọi người sớm vượt qua".
Chiếc đài được cụ giữ cận thận, được cụ đem ra cho mọi người cùng nghe.
Trao đổi với chúng tôi, chị Đoàn Thị Thạo (38 Tuổi, Phân hội Phụ nữ, Khu dân cư Đại Bát) cho biết, cụ Thư là người sống vui vẻ hòa đồng với người dân quanh khu vực nên ai cũng yêu quý.
"Thường ngày cụ vẫn đi giao lưu với hàng xóm, cười nói vui vẻ nên mọi người quý lắm. Hôm cụ vác đồ ra ủng hộ khiến mọi người vô cùng cảm kích. Dù giá trị món đồ ủng hộ không quá cao nhưng mọi người đều yêu quý tấm lòng hiền thiện của cụ.
Ở cái tuổi xế chiều, cụ Thư không còn lo nghĩ về cuộc sống hiện tại vì các con đều đã trưởng thành, lập gia đình. Với cụ hiện tại, chỉ cần được làm những điều ý nghĩa, vui vẻ là cuộc sống hạnh phúc rồi.
Hàng ngày, con cái đi làm, cụ Thư ở nhà tự nấu cơm ăn cả ngày. Trước kia, khi còn khỏe, cụ trồng rau để gánh đi chợ bán, còn giờ cụ sống nhờ tiền trợ cấp tuổi già cùa nhà nước và con cháu cho. Những lúc rảnh rỗi, cụ bà với cái lưng còng, đôi chân không mang dép lại chống gậy đi chơi quanh xóm cho đỡ buồn.
Vì cao tuổi nên nhiều lúc cuộc nói chuyện, chúng tôi phải nói lớn cụ mới nghe rõ.
Lưng còng, di chuyển cụ phải chống gậy, nhưng tình cảm, tấm lòng của cụ khi làm được điều gì có ích cho xã hội thật xúc động.