Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Hy Vọng (Hope School, Đà Nẵng) vừa tổ chức Ngày hội đến trường cho các em nhỏ không may mất cha mẹ vì Covid-19. Đây là năm học đầu tiên của hơn 200 học sinh từ 41 tỉnh, thành trên cả nước tại ngôi trường đặc biệt này.
Trước đó, tháng 9/2021, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT đã khởi xướng ý tưởng xây dựng một ngôi trường dành cho các em mồ côi do Covid-19.
Tròn 1 năm, Trường Hy Vọng đã hình thành và đón nhận 200 học sinh đầu tiên trong năm học 2022-2023, chính thức khởi động sứ mệnh trở thành một ngôi trường nơi các em được chăm sóc, yêu thương, học tập và rèn luyện, từ đó trưởng thành và góp phần xây dựng quê hương, đất nước trong tương lai. Hoạt động của trường nhận được sự chung tay của nhiều đơn vị, tổ chức.
Bà Trần Thị Xuân Mai - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ xúc động khi gặp lại các em nhỏ của địa phương được ngôi trường đón về chăm sóc. Theo bà Mai, 20 ngày trước các cháu ra sân bay còn bỡ ngỡ, tủi thân. Giờ gặp lại thấy cháu nào cũng hoạt bát, vui tươi, hòa đồng với các bạn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng năm học mới đến toàn thể giáo viên và học sinh, đồng thời chia sẻ, đồng cảm với nỗi mất mát của các em khi mất cha mẹ, người thân trong đại dịch. Chủ tịch nước nhắn nhủ các em dù hoàn cảnh nào, vùng cao hay đô thị, dù người thân đã mất, dưới sự giúp đỡ của các thầy cô, anh chị, hãy yên tâm học tập, nỗ lực rèn luyện để trưởng thành.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, sự ra đời của ngôi trường Hy vọng không chỉ là niềm mong đợi của những gia đình chịu đau thương, mà còn thể hiện những tấm lòng nhân ái, yêu thương đùm bọc. Và cần có thêm những ngôi trường, mô hình tương tự để nuôi dạy, chăm sóc những trẻ em mồ côi.
Những gương mặt rạng rỡ với nụ cười trẻ thơ của 200 học sinh đầu tiên của Hope School trong ngày đầu tựu trường.
2 anh em Lưu Hữu Nghị (16 tuổi, TP.HCM) được ngôi trường dang rộng vòng tay che chở. Khi được hỏi về điều ước lúc này, nhiều em chỉ muốn được gọi “Mẹ ơi!” và có tiếng đáp lại “Mẹ đây!”. Hay đơn giản chỉ là được ôm ba, ngửi “mùi của ba một cái". Những tổn thương đó lấy đi nước mắt của bao người.
Tại trường Hy Vọng, học sinh phải tập luyện cách tự gấp gọn chăn, màn và ăn, học, ngủ đúng giờ. Nhà trường đặt mục tiêu hoàn thiện kỹ năng sống cho từng cấp học. Cụ thể, cấp tiểu học phải biết tự dọn dẹp vệ sinh tư trang và phòng ở cá nhân. Cấp THCS biết chịu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và biết tự giải quyết các vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Cấp THPT biết thích nghi với các điều kiện và khả năng sống của mình, biết rõ định hướng nghề nghiệp, đích đến trong tương lai.
Học sinh về trường được chia thành các tiểu đội tự quản theo nam, nữ. Khu nội trú cũng chia các em nam, nữ theo từng tầng để quản lý. Mỗi phòng sẽ có 4 em ở cùng nhau.
Khánh Linh đọc nội quy khi nhập trường Hy Vọng. Hàng ngày, các em thức dậy từ 5 giờ để tập thể dục, vệ sinh cá nhân và chuẩn bị đồ dùng. Sau đó ăn sáng lúc 6h30 và bắt đầu học chính khóa từ 7h-11h. Ăn trưa vào lúc 11h30 đến 12h và tiếp đó học chính khóa buổi chiều, tham gia các hoạt động chung và đi ngủ đúng 21h30.
Nhiều em nhỏ chia sẻ, khi mới nhập trường rất nhớ nhà, nhưng chỉ sau vài ngày ở đây và có thêm nhiều bạn mới thì hiện hầu hết các em đều rất vui vẻ và yên tâm học tập
Thực đơn bữa ăn của học sinh trường Hy Vọng thường xuyên được thay đổi để các em không bị nhàm chán.
Khu vực nhà ăn cũng được chia thành khu nam và khu nữ. Mỗi học sinh ăn xong sẽ tự dọn dẹp phần khay, thìa, đũa của mình.
Hiện, học sinh trường Hy Vọng đã có những tiết học đầu tiên để ôn luyện kiến thức với các bạn đồng lứa trong hệ thống giáo dục của FPT, chuẩn bị cho năm học mới.
Theo thầy cô, các em đều hăng hái phát biểu, hiểu bài.
Sau giờ học chính khóa, học sinh có một giờ cho sinh hoạt chung và hoạt động thể thao tự do.
Các học sinh nam thường rủ nhau chơi đá đá bóng, còn các em nữ chơi cầu lông, rút gỗ hay các trò chơi dân gian.
Nhà trường cũng tạo không gian trồng rau xanh quanh khu vực nhà nội trú để các em lao động, vừa có rau xanh cho bữa ăn, vừa có thể làm kế hoạch nhỏ bằng việc bán rau cho các cô chú ở FPT Software Đà Nẵng.
Học sinh từ khối 1 đến 12 tại trường Hy Vọng được tài trợ 100% chi phí học tập, ăn ở và sinh hoạt. Hàng năm, các em được về thăm nhà 3 lần và được nhà trường cấp kinh phí đi lại 2 chiều. Người nhà được đến thăm trường 2 lần/năm.
Trong những ngày đầu đón các em về trường, một nhóm thiện nguyện của tiệm tóc Hưng Samurai đã đến cắt tóc miễn phí cho trẻ để các em chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Đúng như tên gọi của ngôi trường này, “Hy Vọng” không chỉ là nơi để các em được học tập và phát triển toàn diện, mà nơi đây chính là ngôi nhà tràn ngập tình yêu thương ấm áp dành cho những em nhỏ đã chịu mất mát do Covid-19. Hy Vọng, đó không là câu chuyện ở tương lai, mà ngay hiện tại, những hành động, sự quan tâm, chăm sóc mỗi ngày được hy vọng sẽ thắp lên tin yêu, sức mạnh cho các em trưởng thành.