Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số
Phát triển du lịch nông thôn chính là bài toán giải quyết vấn đề nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và xác định sống chung với dịch, vấn đề chuyển đổi số sẽ là giải pháp hữu hiệu để phát triển du lịch nông thôn.
Ngày 2/10 đã diễn ra Diễn đàn trực tuyến "Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số" dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Đoàn Văn Việt.
Chuyển đổi số là giải pháp chính để phát triển du lịch nông thôn
Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Bình cho biết, tỉnh Ninh Bình có gần 1.800 khu di tích và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trên toàn quốc. Trong giai đoạn 2015-2020, ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống, du lịch nông thôn đã được phát triển, dựa trên những lợi thế tự nhiên của tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm OCOP cộng đồng.
"Trong tương lai, tỉnh xem phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới là trọng tâm, trong đó chuyển đổi số sẽ là giải pháp chính. Theo đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và xác định sống chung với dịch để phát triển kinh tế, vấn đề chuyển đổi số sẽ là giải pháp hữu hiệu. Ví dụ như đẩy mạnh quảng bá, thu hút trên các mạng xã hội, xây dựng các trạm wifi miễn phí cho du khách" - bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết thêm.
Bà Trần Phương Linh – Giám đốc Marketing Công ty Du lịch Bến Thành cho biết, 2 năm qua công nghệ số là phương tiện kết nối của các đơn vị lữ hành với đối tác, từ các điểm du lịch đến khách hàng. Dựa vào công nghệ số, phía công ty đã có dữ liệu và công cụ để phân tích nhu cầu, thói quen, hành vi của du khách và tổ chức marketting hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phát triển du lịch nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn như các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã có thói quen sử dụng chuyển đổi số nhưng một số nền tảng cao cấp hơn như trí tuệ nhân tạo, block chain… thì các đơn vị lữ hành hay trang trại nông thôn chưa thể làm được...
Cần có sự đầu tư bài bản
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhận định, việc các hộ nông dân, các cơ sở chuẩn bị để tăng cường hiệu quả chuyển đổi số trong du lịch nông thôn rất quan trọng. Bộ NN&PTNT quảng bá du lịch nông thôn thông qua ứng dụng chuyển đổi số là cách làm rất hay, tuy nhiên thời gian tới cần có sự đầu tư bài bản.
Để có thể phát triển du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số trong thời gian tới, theo ông Đoàn Văn Việt, chúng ta cần có những giải pháp chuyển đổi số một cách phù hợp. Các sản phẩm công nghệ từ nhà đầu tư phải hỗ trợ tối đa cho người nông dân một cách thuận tiện, dễ hiểu, dễ làm nhất. Các doanh nghiệp du lịch cần đầu tư chuyển đổi số, nâng cao tăng cường năng lực, kết nối cho người nông dân phát triển du lịch nông thôn...
Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp nông thôn cần tận dụng nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, có thể thấy du lịch nông thôn đang là xu thế, cần khai thác hiệu quả, điều cần làm là kết nối và quảng bá sản phẩm cho các địa phương. Đề cập đến vấn đề quy hoạch nông thôn, ông Trần Thanh Nam khẳng định sẽ bổ sung tiêu chí về quy hoạch du lịch khi xây dựng nông thôn mới...
Theo ông Phil Harman - Cố vấn trưởng Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (GREAT) cho biết thêm, thời gian tới Bộ NN&PTNT và các công ty lữ hành sẽ có những cơ hội hợp tác phát triển du lịch nông thôn thông qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Dự án GREAT hướng đến cả 2 yếu tố du lịch và nông nghiệp, từ đó Việt Nam có thể tận dụng được những điểm đến du lịch để phát triển nông nghiệp và ngược lại và có thể kết nối những sản phẩm nông sản nổi bật tới du khách thông qua những điểm du lịch.
Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.
Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững./.