Xúc tiến thương mại chuyên sâu tại Mỹ, EU, ASEAN, Hàn Quốc
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Cục Xúc tiến thương mại tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại quy mô lớn, chuyên sâu theo từng ngành hàng tại các thị trường trọng điểm như: EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN...

Bộ trưởng Công thương chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện xúc tiến thương mại chuyên sâu theo từng ngành hàng tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN...
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa ban hành Kế hoạch hành động nhằm thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2025.
Kế hoạch nhằm hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ và bền vững thị trường nội địa, nâng cao năng lực ứng phó với các rào cản thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống để giữ vững đà phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong năm 2025.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức tăng cường thực hiện đa dạng, có hiệu quả các hoạt động xúc tiến phục vụ xuất nhập khẩu.
Trong đó, Bộ trưởng đề nghị triển khai có hiệu quả, đa dạng hóa các chương trình xúc tiến thương mại quy mô lớn, chuyên sâu theo từng ngành hàng tại các thị trường trọng điểm như: EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN...
Song song đó, tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tại các thị trường đã có FTA với Việt Nam, đồng thời mở rộng sang các thị trường ngạch và thị trường mới như: thị trường Halal, Saudi Arabia, Ai Cập, UAE...
Mặt khác, chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa hướng đến mục tiêu tăng cường xúc tiến thương mại liên kết vùng, liên kết ngành trong tiêu thụ sản phẩm nội địa, hội chợ, triển lãm hàng hóa; tập trung tổ chức hiệu quả chương trình khuyến mại tập trung trên phạm vi toàn quốc...
Với Cục Xuất nhập khẩu, Bộ trưởng đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu theo từng ngành hàng, từng thị trường; phân tích nguyên nhân biến động, xu hướng phát sinh để kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ giải pháp điều hành, điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, góp phần ổn định thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, thúc đẩy xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu hợp lý.
Cùng đó, chủ động cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu thông tin cập nhật về thị trường, chính sách thương mại, xu hướng tiêu dùng và yêu cầu kỹ thuật của đối tác thuộc các thị trường có FTA/CEPA với Việt Nam, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Bộ trưởng giao Vụ Phát triển thị trường nước ngoài phối hợp với cơ quan liên quan của Bộ Ngoại giao, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế xây dựng, phát triển và duy trì cơ sở dữ liệu toàn diện, cập nhật thường xuyên về thông tin thị trường xuất khẩu; tập trung vào chính sách thương mại, thuế quan, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu về môi trường và phát triển bền vững của các thị trường trọng điểm.
Ngoài ra, nghiên cứu, phân tích các cam kết trong FTA, CEPA đã ký kết để tham mưu xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan, đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường, nhất là tại khu vực có FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA.
Bộ trưởng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại trong việc xây dựng và triển khai các chương trình kết nối giao thương có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, nhằm tạo cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp Việt Nam và các nhà phân phối, nhập khẩu, chuỗi bán lẻ quốc tế lớn.
Đặc biệt phát huy vai trò của sự kiện Vietnam International Sourcing 2025 như một nền tảng xúc tiến thương mại quy mô quốc gia, giúp doanh nghiệp Việt chủ động tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, mở rộng kênh tiêu thụ trên thị trường toàn cầu giúp thúc đẩy gia tăng giá trị và vị thế hàng hóa Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Với Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nửa đầu năm 2025, giá trị thương mại của nước ta cán mốc 431,5 tỷ USD, tương ứng tăng thêm 59,5 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu gần 219,5 tỷ USD và đang bám sát kịch bản tăng trưởng.