Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025 'tăng tốc' từ nền tảng vững chắc
Ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những điểm sáng trong xuất nhập khẩu nửa đầu năm 2025.
Xuất khẩu nửa đầu năm 2025 có nhiều điểm sáng
- Thưa ông, 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu hàng hóa đã đạt kết quả rất tích cực. Những nhóm ngành, mặt hàng nào đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng này? Ông cho rằng đâu là những động lực chính tạo nên kết quả này?
Ông Nguyễn Anh Sơn: Trong 6 tháng đầu năm 2025, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ghi nhận kết quả hết sức khả quan. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra. Trung bình mỗi tháng đạt 36,6 tỷ USD; riêng tháng 5 và tháng 6 đều vượt 39,5 tỷ USD.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn
Trong cơ cấu nhóm hàng hóa xuất khẩu, nông, thủy sản tăng trưởng tích cực, ước đạt mức tăng 16,4%; trong đó riêng thủy sản đạt 5,1 tỷ USD, tăng 15,9%.
Bên cạnh đó, các mặt hàng công nghiệp chủ lực tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt: dệt may ước đạt 18,7 tỷ USD (tăng 12,3%), giày dép đạt 11,9 tỷ USD (tăng 10,1%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 47,7 tỷ USD (tăng 39,9%).
Kết quả tăng trưởng xuất khẩu tích cực này được thúc đẩy bởi nhiều động lực quan trọng. Cụ thể, chính sách vĩ mô đã được triển khai linh hoạt, hiệu quả. Trong đó, các giải pháp thúc đẩy tín dụng, phát triển sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, thông thoáng, cùng chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến vai trò dẫn dắt và kết nối của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cụ thể, Lãnh đạo cấp cao đã trực tiếp làm việc với các địa phương, chỉ đạo sát sao và khơi dậy tiềm năng, thế mạnh riêng của từng tỉnh, thành. Sự điều hành thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến Bộ, ngành và địa phương tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp khai thác hiệu quả nguồn lực trong nước phục vụ sản xuất – xuất khẩu.
Thời gian qua, doanh nghiệp cũng đã tận dụng hiệu quả các FTA. Nhờ đó, xuất khẩu sang các đối tác FTA tăng trưởng tích cực: EU tăng 12%, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng trên 10,6%.
Thêm nữa, việc hoãn áp dụng thuế đối ứng và tiến triển tích cực trong đàm phán Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ đã mở rộng dư địa đơn hàng. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ 5 tháng đầu năm đạt trên 57 tỷ USD, tăng 27,4%.
Nửa đầu năm, các doanh nghiệp cũng nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hiệu quả. Xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như châu Phi tăng mạnh (tăng 36,5%), với mức tăng ấn tượng tại các nước như Algeria, Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal… (từ 116% đến 200%).
Mặt khác, nửa đầu năm đã xuất hiện nhóm hàng mới tăng trưởng đột phá. Một số mặt hàng mới ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như đồ chơi, dụng cụ thể thao và linh kiện liên quan đạt 3,3 tỷ USD, tăng 103%.

Xuất nhập khẩu có nhiều điểm sáng trong nửa đầu năm 2025 (Ảnh: Cấn Dũng)
Đa dạng giải pháp duy trì kim ngạch xuất nhập khẩu
- Với bối cảnh thế giới đang có nhiều bất định, Bộ Công Thương nói chung và Cục Xuất nhập khẩu nói riêng có định hướng gì để hỗ trợ doanh nghiệp giữ đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Sơn: Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của kinh tế thế giới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu.
Cụ thể, nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu, thông qua việc nghiên cứu, đàm phán và ký kết hợp tác với các thị trường mới, đặc biệt với Hoa Kỳ, theo hướng công bằng, cân bằng và đối ứng; qua đó tạo môi trường thuận lợi và duy trì lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này, đồng thời tập trung khai thác hiệu quả các thị trường chiến lược và các FTA hiện có.
Bên cạnh đó, chủ động theo dõi sát tình hình thế giới, kịp thời tham mưu phản ứng chính sách linh hoạt, hiệu quả; đồng thời cảnh báo, khuyến nghị sớm cho doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng khi xuất hiện rủi ro, biến động tại các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển logistics, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, chi phí đầu vào; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho xuất khẩu.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai việc phân cấp, phân quyền theo mô hình chính quyền 2 cấp, tích cực triển khai, hỗ trợ tỉnh thành, sở, ban, ngành địa phương thực hiện Nghị định số 146/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 38/2025/TT-BCT và Thông tư số 40/2025/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương, đặc biệt trong lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại và đồng hành cùng doanh nghiệp trong xử lý các rào cản kỹ thuật tại thị trường nhập khẩu. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nâng cao kỹ năng marketing, xúc tiến thương mại quốc tế và phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu từng thị trường.
Bên cạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương còn nỗ lực phát triển thị trường trong nước thông qua đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, mở rộng hệ thống phân phối và ứng dụng thương mại điện tử nhằm giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Duy trì xuất siêu, góp phần phát triển xuất nhập khẩu bền vững
- Các chỉ số xuất nhập khẩu nửa đầu năm 2025 cho thấy, tuy vẫn duy trì xuất siêu, nhưng mức xuất siêu 6 tháng qua giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Dưới góc nhìn của Cục Xuất nhập khẩu, điều này phản ánh điều gì trong cán cân thương mại hiện nay?
Ông Nguyễn Anh Sơn: 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu hàng hóa đã đạt kết quả rất tích cực. Xuất khẩu 6 tháng ước đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ, đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng tháng đạt 36,6 tỷ USD, trong đó tháng cao nhất là tháng 5 và tháng 6 đều đạt trên 39,5 tỷ USD.
Cán cân thương mại qua 6 tháng ước xuất siêu 7,6 tỷ USD. Con số này thấp hơn mức 12,6 tỷ USD sau cùng kỳ 6 tháng của năm trước. Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất, xuất khẩu đều có phục hồi, doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất cho các đơn hàng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm đều có tăng trưởng tích cực.
Cán cân thương mại có xuất siêu ở mức vừa phải có thể vừa góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định chính sách tiền tệ, vừa góp phần vào sự phát triển xuất nhập khẩu bền vững trong trung và dài hạn.
Xin cảm ơn ông!
Bộ Công Thương hiện đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Luật Thương mại điện tử và trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Nếu được thông qua, đây sẽ là một đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại số ngày càng đóng vai trò lớn trong thương mại toàn cầu.