Xúc tiến thương mại giày dép Việt Nam-Hoa Kỳ hậu COVID-19
Phía các doanh nghiệp Việt Nam đã đề cập tới những khó khăn hiện nay cũng như trong thời gian tới trong việc xuất khẩu giày dép cũng như hợp tác với các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giày dép Việt Nam tìm hiểu tình hình, xu hướng và cơ hội thị trường, thúc đẩy xuất khẩu giày dép sang thị trường Hoa Kỳ trong và sau dịch COVID - 19, ngày 28/5, hội nghị giao thương trực tuyến “ Xúc tiến thương mại giày dép Việt Nam-Hoa Kỳ hậu COVID-19" đã được tổ chức.
Hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ phối hợp với Hiệp hội các Nhà phân phối và bán lẻ giày dép Hoa Kỳ (FDRA), Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (LEFASO) và Dự án USAID LinkSME tổ chức.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến thị trường và khả năng, xu hướng phát triển của thị trường trong thời gian tới; đồng thời đề ra các biện pháp để nhà cung cấp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường giày dép Hoa Kỳ; cách tiếp cận thị trường và khuyến nghị về những chiến lược mới cho các doanh nghiệp giày dép Việt Nam để phát triển hiệu quả hơn tại thị trường Hoa Kỳ.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (LEFASO), cho biết qua hội nghị giao thương này, doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác xúc tiến thương mại vì lợi ích của doanh nghiệp đôi bên.
Từ đó, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp an toàn vượt qua đại dịch, chuẩn bị sẵn lực lượng ứng phó nhanh với các diễn biến thương mại, diễn biến thị trường sau khi dịch COVID-19 kết thúc.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), đây là hội nghị giao thương trực tuyến đầu tiên trong lĩnh vực giày dép của Việt Nam được tổ chức với thị trường nước ngoài.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác xúc tiến thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại nhưng Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã nỗ lực tạo cơ hội cho doanh nghiệp giày dép Việt Nam tiếp xúc, trao đổi các về những thông tin kinh doanh các đối tác Hoa Kỳ.
Năm 2020, hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong suốt thời gian qua, thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đã tăng trưởng không ngừng từ 1,5 tỷ USD năm 2000 (năm hai nước ký Hiệp định thương mại tự do - BTA) lên gần 76 tỷ USD năm 2019.
Hoa Kỳ liên tục là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và ngược lại. Năm 2019, Việt Nam đã là đối tác thương mại thứ 13 của Hoa Kỳ. Hiện hai nước đang phối hợp xây dựng quan hệ thương mại hài hòa, bền vững.
Ngay cả trong bối cảnh những tháng đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế trên toàn cầu thì Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có được sự tăng trưởng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, bốn tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ đạt gần 25 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 20 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 4,8 tỷ USD.
Giày dép là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2019 được xem là năm thành công của xuất khẩu giày dép khi kim ngạch đạt hơn 18 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước; trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn với kim ngạch đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng hơn 14%.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, quý 1/2020, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường số 1 nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam với kim ngạch đạt 1,56 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù xuất khẩu giày dép sang thị trường Hoa Kỳ đạt mức tăng trưởng trong quý 1 năm nay nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam cho biết, các hợp đồng đàm phán của quý2 và quý 3/2020 chưa thể chốt được do lượng tiêu thụ tại Hoa Kỳ trên đà suy giảm.
Nhiều chuyên gia dự báo, sau khi khống chế được dịch COVID-19, nhu cầu mặt hàng giày dép tại thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng cao. Vì vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp giày dép cần thúc đẩy xúc tiến thương mại sang thị trường Hoa Kỳ./.