Xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp 'vượt bão' đại dịch

Thời gian qua, thành quả thu được từ các hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp nước ta kiềm chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán, củng cố và phát triển thị trường trong nước..., đặc biệt đã giúp doanh nghiệp 'vượt bão' đại dịch.

Doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt trên 1.000 tỷ đồng. Ảnh: TL

Doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt trên 1.000 tỷ đồng. Ảnh: TL

Hàng Việt đã có mặt tại 180 thị trường

Cục Xúc tiến thương mại (XTTM - Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua, Chương trình cấp quốc gia về XTTM đã góp phần đáng kể trong việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu liên tục; chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng chế biến và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu và các dịch vụ kèm theo… Thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng, tăng từ 72 nước, vùng lãnh thổ (2009) lên đến 180 nước, vùng lãnh thổ.

Đáng chú ý, nước ta đã dần kiềm chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán, củng cố và phát triển thị trường trong nước. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2019, Cục XTTM đã trình phê duyệt 776 đề án XTTM quốc gia, với tổng kinh phí hỗ trợ 418 tỷ đồng. Các đề án bao gồm 3 nội dung là: xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.

Theo đó, chương trình đã hỗ trợ trên 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết các hợp đồng trong thời gian tham gia các hoạt động XTTM, với tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện XTTM phát triển ngoại thương đạt trên 14,8 tỷ USD; doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Năm 2020, Chương trình cấp quốc gia về XTTM được phê duyệt, với tổng kinh phí được Nhà nước hỗ trợ là 136 tỷ đồng. Ngay từ tháng 2, khi đại dịch Covid-19 mới diễn ra tại Trung Quốc, chương trình đã triển khai tham gia 5 hội chợ chuyên ngành hàng đầu thế giới tại Đức, Anh, UAE. Các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm đã ký kết được 41 hợp đồng trực tiếp trị giá 25 triệu USD.

Từ tháng 3, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong bối cảnh Việt Nam và các nước phải thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động XTTM truyền thống đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trực tiếp về cơ bản phải hủy hoặc hoãn thực hiện. Trong bối cảnh đó, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn về gián đoạn thị trường, Cục XTTM đã thực hiện thí điểm hoạt động XTTM trên các ứng dụng trực tuyến, tổ chức 20 hoạt động XTTM trực tuyến kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Singapore, Hà Lan, Bulgaria...

"Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức XTTM nước ngoài nghiên cứu thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh" - Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú cho biết.

Tập trung cao độ kích cầu "sân nhà"

Theo ông Phú, bên cạnh các thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa cũng được đặc biệt chú trọng XTTM trong thời gian qua. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp phải khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa.

"Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch, chúng tôi đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa. Thông qua các chương trình, các địa phương và doanh nghiệp đã phối hợp để triển khai các hoạt động khuyến mại kết hợp với việc tổ chức hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các lễ hội truyền thống tại địa phương để thu hút, kích cầu và phục hồi phát triển du lịch" - ông Phú nói.

Thống kê cho thấy, đã có hơn 27.450 chương trình khuyến mại do doanh nghiệp thực hiện để hưởng ứng Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia. Các chương trình khuyến mại tập trung quốc gia đã tác động tích cực đến việc tiêu dùng nội địa trong nước - được đánh giá như "chiếc phao cứu sinh" của doanh nghiệp trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều bất trắc và suy giảm trầm trọng.

Trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong và ngoài nước, Cục XTTM sẽ tập trung nâng cao nhận thức của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp đối với công tác xây dựng, phát triển thương hiệu; tuyên truyền quảng bá để các sản phẩm Việt, nhất là sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tới người tiêu dùng trong nước .

"Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan thực hiện chuỗi các hoạt động quảng bá thương hiệu Việt đến người tiêu dùng trong nước, thông qua đó hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy giai đoạn hậu đại dịch" - ông Phú nhấn mạnh thêm./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-10-26/xuc-tien-thuong-mai-giup-doanh-nghiep-vuot-bao-dai-dich-94107.aspx