Xứng đáng là nghệ sĩ của Nhân dân
Gần 400 nghệ sĩ được Chủ tịch nước ký phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) và Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lần thứ 10 vì đã có nhiều cống hiến cho nền văn học, nghệ thuật.
Những danh hiệu cao quý không đơn giản là cho và nhận mà còn ẩn chứa đằng sau, ý nghĩa nhân văn hết sức lớn lao, tôn vinh, tri ân những đóng góp công sức, trí tuệ mà các nghệ sĩ đã cống hiến và thành quả đã đạt được cho nền văn học, nghệ thuật của nước nhà qua nhiều thập niên. Tuy nhiên, vẫn còn có những tranh luận, dư luận trái chiều mỗi lần xét tặng danh hiệu nghệ sĩ trong thời gian qua đã khiến nhiều nghệ sĩ cảm thấy chạnh lòng và người dân vẫn còn đâu đó những băn khoăn.
Nhiều người cho rằng, xét danh hiệu nghệ sĩ rất mang tính hành chính, có cái gì đó xa rời thực tế. Ngoài những tiêu chí cụ thể thì những NSƯT, NSND là nghệ sĩ phục vụ nhân dân nhiều nhất, nhân dân biết đến nhiều nhất vì họ thực sự tài năng. Có tài năng thì sản phẩm của họ mới được nhân dân đón nhận. Đừng chỉ dựa vào tấm huy chương Vàng, Bạc trong các hội diễn, bởi đó cũng chỉ là một phần trong đánh giá tài năng của người nghệ sĩ, còn phải xét cả đến sự mến mộ của đông đảo của công chúng dành cho người nghệ sĩ đó.
Và một thắc mắc nữa là tại sao hầu hết chỉ diễn viên "Nhà nước" mới được xét tặng danh hiệu còn diễn viên hoạt động nghệ thuật tự do thì lại khó khăn? Những qui định, luật lệ... đều do con người định ra, khi mà thấy chưa sát thực tế, nhiều ý kiến phản ứng, thì nên xem xét, điều chỉnh, đừng để tình trạng mỗi lần phong danh hiệu lại lùm xùm, gây mất lòng tin, mất thiện cảm trong lòng người dân.
Thực tế cho thấy, sau những lần phong tặng NSND, NSƯT, không ít nghệ sĩ sau khi nhận được danh hiệu cao quý này nhưng nhân dân không biết đó là ai, một số thì chìm nghỉm, bặt vô âm tín hoặc im hơi lặng tiếng. Nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật vẫn dậm chân tại chỗ, bầu không khí sáng tạo khá trầm lắng: Sân khấu vẫn trong tình trạng tối đèn, âm nhạc theo xu hướng mì ăn liền, điện ảnh không có khán giả đến rạp xem phim… Các hoạt động nghệ thuật chưa có những bước đột phá, chưa có những tác phẩm hay, xứng tầm thời đại, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần ngày càng cao của Nhân dân.
Trong khi cuộc sống hiện đại hôm nay sôi động với rất nhiều vấn đề nóng bỏng đang được đặt ra, như: Tại sao những người nông dân lại bỏ quê hương, đồng ruộng để giam mình vào các khu công nghiệp với đồng lương ít ỏi? Tại sao một bộ phận giới trẻ hiện nay lại sống ích kỷ, vô nghĩa và quên dần quá khứ? Tại sao vấn nạn tham nhũng bị trừng trị nghiêm minh như thế mà vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm? Tại sao có những tôn ti trật tự trong gia đình bị đảo lộn, giá trị đạo đức, văn hóa xã hội lại có chiều hướng ngày càng đi xuống như vậy?…
Văn nghệ sĩ, nhất là NSƯT, NSND - tầng lớp tinh hoa của dân tộc, ở bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào cũng đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội, cất lên tiếng nói của thời đại mình, nhân dân mình, cổ vũ, lan tỏa và đưa các hệ giá trị nhân văn thấm sâu vào cuộc sống. Nhưng hiện tại, nhiều lĩnh vực nghệ thuật đang bị cơn lốc thị trường, giải trí cuốn theo. Nói cách khác một bộ phận những người sáng tác đang thiếu đi sự quyết liệt. Có thể thấy thực tế đáng buồn hiện nay là có bộ phận nghệ sĩ chỉ lo làm sao để kiếm được nhiều tiền, làm sao để nổi tiếng, dễ dãi hơn với những sáng tác của mình và thờ ơ với những vấn đề lớn của đất nước.
Phải chăng chúng ta chưa có một đội ngũ văn nghệ sĩ xuất sắc và tinh nhuệ thực thụ, mà chỉ là những "công chức, viên chức làm văn nghệ"? Chúng ta còn nhớ, trong những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, trải qua thời kỳ bao cấp đói khổ, đến khi đất nước mở cửa, phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức, nhưng người nghệ sĩ trong những giai đoạn này vẫn hăng say sáng tác và thực tế đã để lại nhiều tác phẩm để đời, từ điện ảnh cho đến sân khấu và những bài ca đi cùng năm tháng.
Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Vì vậy, nhân dân đòi hỏi các nghệ sĩ được danh hiệu cao quý cần phải nỗ lực hơn nữa để cho ra đời những tác phẩm hay, tương xứng với tầm vóc của dân tộc và thời đại. Danh hiệu cũng chỉ là đồ trang sức, còn phần thưởng cao quý nhất vẫn là sự yêu mến và chỗ đứng của nghệ sĩ trong lòng khán giả.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang soạn thảo dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSƯT. Hy vọng rằng, quy định mới sẽ bao trùm, sát với thực tế góp phần cổ vũ, động viên nghệ sĩ trong các đơn vị sự nghiệp công lập của nhà nước cũng như những nghệ sĩ tài năng hoạt động tự do, các nhóm nghệ sĩ xã hội hóa được bình đẳng trong việc xét tặng các danh hiệu, từ đó có nhiều đóng góp cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, cùng xây dựng một nền văn hóa, nghệ thuật nhân văn, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.