Xung đột bùng phát tại biên giới Armenia và Azerbaijan: Rào cản đàm phán hòa bình
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra từ cuối năm 2020, những ngày gần đây, xung đột có dấu hiệu bùng phát trở lại tại khu vực biên giới giữa Armenia và Azerbaijan. Động thái này có nguy cơ cản trở tiến trình đàm phán để đi đến việc ký kết một hiệp ước hòa bình toàn diện mà hai nước cùng các bên trung gian đã lên kế hoạch suốt 2 năm qua.
Giao tranh liên tục xảy ra tại khu vực Nagorno-Karabakh trong tuần qua.
Từ ngày 30-7 tới nay, khu vực Nagorno-Karabakh trên biên giới Armenia và Azerbaijan liên tiếp nổ ra những cuộc giao tranh giữa các nhóm vũ trang cũng như binh sĩ của Armenia và Azerbaijan. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Azerbaijan cáo buộc binh sĩ Armenia nổ súng về phía binh sĩ Azerbaijan, khiến 1 người thiệt mạng. Về phía ngược lại, Bộ Quốc phòng Armenia bác bỏ lời cáo buộc của Azerbaijan. Bộ Ngoại giao Armenia cũng ra tuyên bố khẳng định lực lượng Azerbaijan một lần nữa đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ký ngày 9-11-2020 do Nga làm trung gian, khi tiến hành các hoạt động khiêu khích tại những khu vực thuộc trách nhiệm của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, dẫn tới thương vong. Armenia đã đệ đơn kiện Azerbaijan lên Tòa án nhân quyền châu Âu, cáo buộc các lực lượng vũ trang Azerbaijan có hoạt động chống lại người dân Nagorno-Karabakh giai đoạn 2021-2022.
Một bước đi khác có nguy cơ làm leo thang căng thẳng giữa hai bên là việc Bộ Quốc phòng Azerbaijan mở “Chiến dịch báo thù” nhằm phi quân sự hóa Nagorno-Karabakh. Baku tuyên bố, sự hiện diện của binh sĩ Armenia và các nhóm vũ trang bất hợp pháp tại các vùng lãnh thổ Azerbaijan vẫn là một mối đe dọa. Vì vậy, Azerbaijan xem việc triệt thoái hoàn toàn các lực lượng Armenia và giải giáp các nhóm vũ trang tại đây là điều bắt buộc.
Nagorno-Karabakh là vùng đất nằm trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn ly khai để sáp nhập với Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước láng giềng mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, cuối tháng 9-2020, xung đột tái bùng phát tại khu vực trên và kéo dài 44 ngày, khiến ít nhất 6.500 người thiệt mạng.
Ngày 23-5 vừa qua, hai nước thông báo đã thành lập một ủy ban phân định biên giới, được đánh giá là bước đi hướng tới sớm chấm dứt tranh chấp khu vực Nagorno-Karabakh. Ngoài ra, hai bên đang lên kế hoạch chuẩn bị các cuộc đàm phán về một hiệp ước hòa bình song phương. Baku đã chuyển giao cho Yerevan đề xuất 5 điểm để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, trong đó bao gồm yêu cầu công nhận lẫn nhau về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không xâm phạm biên giới và độc lập chính trị của nhau; cùng xác nhận về việc không có yêu sách lãnh thổ chống lại nhau; từ bỏ đe dọa sử dụng vũ lực. Các đề xuất cũng bao gồm nội dung về thiết lập quan hệ ngoại giao, mở cửa giao thông vận tải và kết nối hợp tác trong các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.
Tuy nhiên, tình trạng xung đột leo thang có khả năng đẩy tiến trình hòa bình giữa hai nước vào thế bế tắc. Hiện, nhiều nước liên quan đã lên tiếng thể hiện quan điểm đề nghị Armenia và Azerbaijan “hạ nhiệt” căng thẳng. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, lực lượng gìn giữ hòa bình nước này đang nỗ lực hết mình để ổn định tình hình ở khu vực. Bên cạnh đó, Nga cũng đang tích cực đàm phán với Armenia và Azerbaijan ở tất cả các cấp, bao gồm thảo luận với hai nguyên thủ quốc gia.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price kêu gọi hai bên có các bước đi nhằm giảm căng thẳng và kiểm soát tình hình leo thang. Theo các nhà phân tích, bên cạnh nỗ lực quốc tế, Armenia và Azerbaijan cần tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn, nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán, tìm ra giải pháp lâu dài hướng tới lợi ích hòa bình chung cho hai nước và khu vực.