Xung đột Israel - Hamas: Chính sách phản tác dụng?
Phải chăng, kế hoạch của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm bảo tồn Hamas ở Dải Gaza như một công cụ để tách dải đất này khỏi Bờ Tây và Chính quyền Palestine cuối cùng đã phản tác dụng?
Các sự kiện xảy ra những ngày gần đây ở Trung Đông là chưa từng có. Lần cuối cùng các đơn vị Do Thái và Palestine - quân sự hoặc bán quân sự - tham chiến trên một mặt trận rộng lớn như vậy ở Israel - Palestine là vào năm 1948.
Tất nhiên, đã có nhiều trận chiến khác nhau trong những năm qua ở Dải Gaza cũng như các thành phố Bờ Tây như Jenin, hay sự kiện các đơn vị Israel và Palestine đã chiến đấu với nhau ở Lebanon vào năm 1982, nhưng không có xung đột nào có quy mô tương tự những gì đã diễn ra ở đây kể từ sáng 7-10. Hơn hết, cũng kể từ năm 1948, các chiến binh người Palestine đã không tấn công các cộng đồng Do Thái ở quy mô như lúc này.
Sự thật này không chỉ là việc đối chiếu lịch sử thông thường, nó mang ý nghĩa chính trị trực tiếp. Cuộc tấn công chết người của Hamas xảy ra đúng lúc có vẻ như Thủ tướng Israel Netanyahu sắp hoàn thành học thuyết của riêng mình: Hòa bình với thế giới Ả Rập trong khi hoàn toàn phớt lờ người Palestine. Cuộc tấn công này đã nhắc nhở người Israel và thế giới, dù tốt hay xấu, rằng người Palestine vẫn còn ở đây, và cuộc xung đột kéo dài hàng thế kỷ ở đây liên quan đến họ chứ không phải UAE hay Ả Rập Saudi.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc cách đây hai tuần, ông Netanyahu đã trình bày một bản đồ “Trung Đông mới”, mô tả Nhà nước Israel trải dài từ sông Jordan đến Biển Địa Trung Hải và xây dựng một “hành lang hòa bình và thịnh vượng” với các lãnh thổ của mình. Một nhà nước Palestine, hay thậm chí tập hợp các vùng đất bị thu hẹp mà Chính quyền Palestine bề ngoài kiểm soát, không hề xuất hiện trên bản đồ.
Kể từ khi được bầu làm Thủ tướng Israel lần đầu tiên vào năm 1996, ông Netanyahu đã cố gắng tránh né bất kỳ cuộc đàm phán nào với giới lãnh đạo Palestine, chọn cách phớt lờ và đẩy mọi cơ hội sang một bên. Israel không cần hòa bình với người Palestine để thịnh vượng - điều mà ông Netanyahu đã nhiều lần tuyên bố - khi tự tin vào sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị của Tel Aviv.
Thực tế trong những năm ông Netanyahu cầm quyền, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2009-2019, Israel đã chứng kiến sự thịnh vượng cả về kinh tế và vị thế quốc tế của nước này được cải thiện. Với Netanyahu, đây chính là bằng chứng cho thấy ông đang đi đúng hướng. Hiệp định Abraham, được ký với Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, sau đó là với Sudan và Maroc, lại càng củng cố niềm tin này của ông Netanyahu.
“Trong 25 năm qua, chúng tôi đã được thông báo nhiều lần rằng hòa bình với các nước Ả Rập khác sẽ chỉ đến sau khi chúng tôi giải quyết được xung đột với người Palestine” - Nhà lãnh đạo Israel viết trong một bài xã luận trên tờ Haaretz trước cuộc bầu cử vừa qua - “Trái ngược với quan điểm hiện hành, tôi tin rằng con đường dẫn đến hòa bình không đi qua Ramallah mà đi vòng qua nó: thay vì là cái đuôi của người Palestine vẫy gọi thế giới Ả Rập, tôi tin rằng hòa bình nên bắt đầu từ các nước Ả Rập - nơi sẽ cô lập sự ngoan cố của người Palestine”.
Để hiểu vì sao, thỏa thuận hòa bình với Ả Rập Saudi của Israel được giới phê bình gọi là “lớp kem phủ trên chiếc bánh "hòa bình vì hòa bình” mà Thủ tướng Netanyahu đã mất nhiều năm chuẩn bị.
Nhưng cần làm rõ là ông Netanyahu không phải tác giả của chính sách chia rẽ giữa Bờ Tây và Dải Gaza, cũng như không khơi mào việc lợi dụng Hamas như một công cụ để làm suy yếu Tổ chức Giải phóng Palestine và tham vọng quốc gia của tổ chức này trong việc thành lập một nhà nước Palestine. Kế hoạch “rút quân” khỏi Gaza năm 2005 của cố Thủ tướng Israel, Ariel Sharon được xây dựng dựa trên logic này.
“Toàn bộ khái niệm được gọi là "Nhà nước Palestine" đã bị loại khỏi chương trình nghị sự trong một khoảng thời gian không xác định” - Dov Weissglas, cựu cố vấn của ông Sharon, tiết lộ - “Kế hoạch này nhằm tạo một không gian bí bách cần thiết để không thể xảy ra tiến trình chính trị nào với người Palestine”.
Thủ tướng Israel đương nhiệm không chỉ áp dụng lối suy nghĩ này, mà còn bổ sung vào đó việc duy trì sự cai trị của Hamas ở Gaza như một công cụ để tăng cường sự tách biệt giữa dải đất và Bờ Tây. Ví dụ, vào năm 2018, ông đã đồng ý để Qatar chuyển hàng triệu đô la mỗi năm nhằm tài trợ cho chính quyền Hamas ở Gaza - thể hiện chính xác những nhận xét được đưa ra vào năm 2015 bởi Bộ trưởng Tài chính Israel, Bezalel Smotrich: “Chính quyền Palestine là gánh nặng và Hamas là tài sản”.
“Netanyahu muốn Hamas đứng vững và sẵn sàng trả một cái giá khó tưởng tượng: Một nửa đất nước bị tê liệt, trẻ em và cha mẹ bị tổn thương, nhà cửa bị đánh bom, người dân thiệt mạng” - Bộ trưởng Thông tin đương nhiệm của Israel, Galit Distel Atbaryan, viết vào tháng 5-2019, khi bà vẫn chưa tham gia chính trường nhưng được biết đến là một người ủng hộ hàng đầu đối với vị Thủ tướng. Bà cũng đưa ra lời giải thích vì sao ông Netanyahu quyết không để Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) lật đổ Hamas.
“Nếu Hamas sụp đổ, Abu Mazen (Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas) có thể kiểm soát dải Gaza. Nếu ông ta kiểm soát nó, sẽ có những tiếng nói từ cánh tả khuyến khích các cuộc đàm phán và một giải pháp chính trị cũng như một Nhà nước Palestine, cả ở Judea và Samaria (Bờ Tây)… Đây là lý do thực sự khiến Netanyahu không loại bỏ nhà lãnh đạo Hamas, mọi thứ khác đều là nhảm nhí” - Distel Atbaryan bình luận.
Thật vậy, bản thân Thủ tướng Netanyahu đã thừa nhận điều này vài tháng trước khi bà Atbaryan đưa ra nhận xét của mình, ông tuyên bố trong một cuộc họp của đảng Likud rằng “bất kỳ ai muốn cản trở việc thành lập một Nhà nước Palestine đều cần phải hỗ trợ việc củng cố Hamas. Đây là một phần trong chiến lược của chúng tôi nhằm cô lập người Palestine ở Gaza khỏi người Palestine ở Judea và Samaria”.
Tăng cường hàng rào Gaza đã trở thành một khía cạnh khác trong chiến lược của Netanyahu. “Rào cản sẽ ngăn chặn những kẻ khủng bố xâm nhập vào lãnh thổ của chúng tôi” - Netanyahu giải thích khi ông tuyên bố nhậm chức vào năm 2019, mở đường cho việc bổ sung một hàng rào ngầm với chi phí hơn 3 tỷ NIS.
Hai năm sau, nhà báo Israel Ron Ben-Yishai viết trên Ynet rằng mục tiêu cuối cùng của hàng rào - vốn được coi là rào cản không thể xuyên thủng đối với những kẻ khủng bố - là “ngăn chặn mối liên hệ giữa Hamas ở Gaza và Chính quyền Palestine ở Judea và Samaria”.
Vào sáng ngày 7-10, hàng rào đó đã sụp đổ, cùng với đó là sự thất bại trong học thuyết “hòa bình ở Trung Đông mà không cần người Palestine” của Thủ tướng Netanyahu - người vốn được Mỹ và nhiều quốc gia Ả Rập ủng hộ. Khi hàng trăm chiến binh vượt biên giới một cách dễ dàng, chiếm giữ các đồn quân sự và xâm nhập vào hàng chục cộng đồng Do Thái cách xa tới gần 30km, Hamas đã gửi đi bài học “gậy ông đập lưng ông” rõ ràng, đau đớn và tàn khốc nhất tới Israel.
Các hành động của Hamas là tội ác chiến tranh: Thảm sát thường dân, bắt cóc con tin bao gồm cả người già và trẻ em để giam cầm ở Gaza… Hơn hết, có vẻ như kết luận mà Israel hiện đang rút ra từ bài học này không phải là hiểu cuộc xung đột diễn ra ở Israel-Palestine chứ không phải ở Ả Rập Saudi, mà thay vào đó là “lật đổ Hamas” hoặc “san bằng Gaza”.
Tạm bỏ qua những phán xét về mặt đạo đức, cuộc tấn công của Hamas dường như đã đưa thế giới - đặc biệt là người Israel - trở lại thực tế, nhắc nhở tất cả rằng cuộc xung đột bắt đầu từ đâu, do ai, và sẽ khó có “phương thuốc thần” nào khiến nó biến mất hoàn toàn.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xung-dot-israel-hamas-chinh-sach-phan-tac-dung-645066.html