Xung đột Nagorno-Karabakh trước cơ hội tốt nhất để kết thúc sau gần 40 năm

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 10/7 đã gặp nhau tại UAE, để hoàn thiện thỏa thuận hòa bình sau gần 4 thập niên xung đột. Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa lãnh đạo 2 nước, kể từ khi hai bên thống nhất bản dự thảo thỏa thuận hòa bình hồi tháng 3.

Cuộc gặp giữa lãnh đạo Armenia và Azerbaijan tại Abu Dhabi được tổ chức trong khuôn khổ sáng kiến hòa bình đa phương, có sự hỗ trợ của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Liên minh châu Âu và Mỹ. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo đối thoại trực tiếp kể từ khi hai bên cơ bản thống nhất được bản dự thảo thỏa thuận hòa bình hồi tháng 3 – một văn kiện được mô tả là “kế hoạch đầy tham vọng nhằm hóa giải hoàn toàn các tranh chấp lịch sử”.

Tuy nhiên, việc ký kết thỏa thuận hòa bình hiện vẫn chưa chắc chắn, cùng các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn dọc theo biên giới đóng cửa và được quân sự hóa dày đặc của hai bên đã gia tăng ngay sau khi dự thảo thỏa thuận được công bố.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Ảnh: APA

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Ảnh: APA

Dẫu vậy, thời gian gần đây, chưa có vụ vi phạm nào được báo cáo. Truyền thông khu vực và quốc tế đã đặt nhiều kỳ vọng khi gọi cuộc gặp hôm nay giữa lãnh đạo Armenia và Azerbaijan là “cơ hội lịch sử” và “bước ngoặt ngoại giao”, không chỉ cho hai nước mà còn cho cấu trúc an ninh toàn vùng Kavkaz.

Từ Washington, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết, nước này hoan nghênh nỗ lực của UAE trong việc làm trung gian cho hòa bình, nhấn mạnh cơ hội hòa bình lần này là có thật, nếu các bên quyết tâm đặt hòa bình lên trên thù hận lịch sử.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đánh giá: “Azerbaijan và Armenia đang rất gần với việc hoàn thành công việc về thỏa thuận hòa bình. Chúng tôi hy vọng công việc này sẽ được hoàn tất. Thỏa thuận này là cần thiết cho sự ổn định và an toàn trong khu vực. Về phần mình, chúng tôi xin nhắc lại rằng chúng tôi luôn sẵn sàng làm hết sức mình để đóng góp vào quá trình này, nếu cần thiết”.

Cuộc gặp tại Abu Dhabi cho thấy một bức tranh khá lạc quan nhưng không thiếu những gam màu xám. Để hòa bình trở thành hiện thực, cả Armenia và Azerbaijan cần vượt qua áp lực chính trị nội bộ, đồng thời chứng minh thiện chí thông qua hành động cụ thể như: sửa đổi pháp lý, bảo đảm hành lang vận tải minh bạch, và thúc đẩy đối thoại xã hội trong nước.

Thời gian qua, những nhượng bộ từ chính quyền Armenia trong dự thảo thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan khiến nhiều nhóm đối lập trong nước tổ chức biểu tình tại thủ đô Yerevan. Nhiều tổ chức xã hội dân sự, luật sư và cựu sĩ quan quân đội đã lên tiếng phản đối khả năng Armenia sửa hiến pháp, thay đổi quyền sở hữu đối với khu vực từng tranh chấp Nagorno-Karabakh – hiện đã nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Azerbaijan kể từ năm 2023.

Tuy nhiên, nếu thỏa thuận hòa bình được kí kết, sẽ giúp Armenia và Azerbaijan không chỉ kết thúc của một cuộc chiến tranh, mà còn mở ra cơ hội hợp tác kinh tế mới, trong đó có việc tái thiết các tuyến giao thương và năng lượng quan trọng giữa vùng Kavkaz với Trung Á và châu Âu.

Hiện khu vực Kavkaz đang ở thời điểm then chốt – nơi tương lai không còn bị chi phối hoàn toàn bởi súng đạn và những cuộc đối đầu, mà có thể được dẫn dắt bởi ngoại giao, hợp tác và một cấu trúc quyền lực mới.

Đình Nam/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/xung-dot-nagorno-karabakh-truoc-co-hoi-tot-nhat-de-ket-thuc-sau-gan-40-nam-post1213801.vov