Xung đột Nga - Ukraine: Liệu Vatican có trở thành bên trung gian?

Mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy Vatican là địa điểm trung lập để Nga và Ukraine tiến hành đàm phán, nhưng vẫn còn nhiều nghi ngại.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) trong cuộc gặp Giáo hoàng Leo XIV ở Vatican ngày 18/5/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) trong cuộc gặp Giáo hoàng Leo XIV ở Vatican ngày 18/5/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo Đài phát thanh Quốc tế DW của Đức ngày 26/5, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết, Vatican đang nổi lên như một địa điểm tiềm năng cho các cuộc đàm phán hòa bình. Đặc biệt, với việc Giáo hoàng Leo XIV, người kế nhiệm Giáo hoàng Francis, đã bày tỏ thiện chí làm trung gian, cùng với sự thúc đẩy từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số nhà lãnh đạo châu Âu, hy vọng về một lối thoát ngoại giao đang dần hé mở. Tuy nhiên, liệu Tòa thánh có thực sự trở thành cầu nối hòa bình?

Giáo hoàng Leo XIV, được bầu vào ngày 8/5 làm người kế nhiệm Giáo hoàng Francis, đã nhanh chóng phát đi tín hiệu về vai trò tiềm năng của Vatican trong việc kiến tạo hòa bình. Ngay trong bài phát biểu đầu tiên với công chúng, từ "hòa bình" được lặp đi lặp lại nhiều lần, phác họa một viễn cảnh về "một nền hòa bình không vũ trang và giải trừ vũ khí".

Điều này được củng cố thêm bởi lời tuyên bố của người đứng đầu chính phủ Italy, Thủ tướng Giorgia Meloni, trên mạng xã hội X vào ngày 20/5, về cuộc điện thoại của bà với Giáo hoàng Leo XIV nhằm thảo luận về "các bước tiếp theo cần thực hiện để xây dựng một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine".

Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số nguyên thủ quốc gia châu Âu đã kêu gọi bà Meloni "đánh giá thiện chí" của Tòa thánh trong việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình. Và Giáo hoàng đã xác nhận thiện chí của mình trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tại Vatican giữa cả hai bên trong cuộc xung đột.

Sự kiện lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV vào ngày 18/5 càng củng cố thêm vai trò tiềm năng này. Ông đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đồng thời, Giáo hoàng Leo XIV cũng đã tiếp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio, trong đó vấn đề liên quan đến Ukraine cũng được thảo luận.

Những nghi ngại và triển vọng

Nếu cả hai bên đều sẵn sàng, những người trong cuộc cho biết, một nỗ lực hòa giải có thể bắt đầu tại Vatican trong vòng ba hoặc bốn tuần. Benjamin Dahlke tại Đại học Eichstätt (Đức), tỏ ra "thận trọng" về khả năng Vatican làm trung gian. Ông chỉ ra rằng tuyên bố của Tổng thống Trump về việc "giải quyết cuộc chiến trong vòng một ngày" đã không thành công, và cho rằng Tổng thống Trump "đang bối rối" và đang coi Vatican "là một nhân tố mới để tạo ra phong trào mới".

Về phần mình, Stefan Mückl, chuyên gia về luật nhà thờ, nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò trung lập của Vatican: "Giáo hoàng Leo XIV sẽ tuân thủ lập trường đã được thiết lập của Tòa thánh, cụ thể là sự trung lập nghiêm ngặt".

Tuy nhiên, Regina Elsner, chuyên gia về Cơ đốc giáo phương Đông, lại bày tỏ quan điểm chỉ trích hơn, cho rằng Giáo hoàng Francis đã mất rất nhiều uy tín với phía Ukraine do thái độ đối với Nga. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự tin tưởng của Kiev vào vai trò trung gian của Vatican.

Dù còn nhiều nghi ngại, nhưng với thiện chí từ Giáo hoàng Leo XIV và sự thúc đẩy từ các cường quốc, Vatican đang trở thành một điểm tựa hy vọng cho một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, hành trình này chắc chắn sẽ còn nhiều chông gai và thử thách.

Trong khi đó, hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời Ngoại trưởng Sergey Lavrov vừa cho biết Nga và Ukraine là hai quốc gia Chính thống giáo Đông phương, do đó không thể đàm phán tại Vatican, vùng đất của Công giáo.

"Tôi cho rằng việc các quốc gia Chính thống giáo thảo luận các vấn đề liên quan đến loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của xung đột tại Vatican, vùng đất của Công giáo, là điều hơi thiếu tinh tế. Việc đàm phán tại Vatican là thiếu thực tế", Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ.

Theo ông Lavrov, Vatican cũng sẽ không thoải mái khi tiếp phái đoàn từ Nga và Ukraine, hai quốc gia Chính thống giáo, tới đây đàm phán chấm dứt xung đột. Ngoại trưởng Nga nói thêm một trong những nguyên nhân gốc rễ gây ra xung đột tại Ukraine "là các động thái của Kiev nhằm phá hủy Giáo hội Chính thống giáo Ukraine (UOC) trực thuộc Tòa Thượng phụ Moskva". UOC vốn có quan hệ mật thiết với Giáo hội Chính thống Nga nhưng đã tuyên bố độc lập kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine năm 2022.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/xung-dot-nga-ukraine-lieu-vatican-co-tro-thanh-ben-trung-gian-20250526211714890.htm