Xung đột Nga-Ukraine: Nước nào sẽ thống trị thị trường vũ khí?
Nếu xuất khẩu vũ khí thấp cấp của Nga suy giảm vì cuộc chiến với Ukraine, Trung Quốc sẽ hưởng lợi, trừ khi Mỹ có động thái ngăn chặn.
Nếu xuất khẩu vũ khí của Nga lao dốc, Trung Quốc có thể đạt doanh số lớn hơn trên thị trường khí tài thấp cấp (thiết bị mới, đồ tân trang có giá trị không cao). Một số quốc gia chỉ mua bán khí tài thấp cấp, trong khi nhiều nước khác giao dịch cả thiết bị cao cấp như máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình… và vũ khí bình dân như súng trường tấn công, xe bọc thép…
Nét riêng vũ khí Nga
Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, nhất là từ khi thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2/2022, Nga bị nhiều nước áp đặt lệnh trừng phạt, trong khi hiệu quả của nhiều loại vũ khí, khí tài chưa được chứng minh rõ ràng trên chiến trường Ukraine, thế thượng phong của Nga trên thị trường vũ khí thấp cấp bị lung lay. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh không tham gia vào thị trường thấp cấp vì giá trị giao dịch nhỏ và vì lo ngại về vấn đề nhân quyền ở một số nước khách hàng. Vì thế, Trung Quốc, nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư toàn cầu từ năm 2017 đến 2021, nghiễm nhiên hưởng lợi. Trung Quốc đã xuất khẩu vũ khí sang hơn 50 quốc gia trên thế giới, thu lợi lớn.
Một đặc điểm độc đáo trong xuất khẩu thiết bị quốc phòng của Nga là đồng thời phục vụ hai phân khúc thị trường: khí tài cao cấp, đắt tiền, cạnh tranh với hàng Pháp, Anh, Mỹ… và vũ khí bình dân. Hợp tác quốc phòng của Nga đi song song với các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và khoáng sản.
Bán hàng trên thị trường vũ khí thấp cấp khuếch đại ảnh hưởng của Nga ở châu Phi cận Sahara mạnh hơn nhiều so với ảnh hưởng kinh tế của Nga. Ảnh hưởng kinh tế của Nga không thể đọ với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, Mỹ, các nước châu Âu. Hoạt động bán hàng ở Mỹ Latinh mở rộng ảnh hưởng của Nga ngoài quan hệ đối tác thời Chiến tranh Lạnh với Cuba, Peru và Nicaragua sang Venezuela, Bolivia và Ecuador, cũng như sang các nước giàu có hơn Brazil, Argentina…
Bắc Kinh sẵn sàng tiếp quản
Trung Quốc xưa nay tập trung xuất khẩu các mặt hàng có giá bán thấp như xe tải, xe bọc thép, vũ khí cá nhân, pháo, máy bay không người lái, tàu thuyền, thiết bị cảm biến… Giờ đây, nước này cung cấp cả các hệ thống cao cấp hơn, như 36 máy bay chiến đấu J-10C cho Pakistan và tên lửa đất đối không HQ-22 cho Serbia.
Trung Quốc là một trong năm nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới kể từ năm 2012. Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất hoặc lớn nhì cho ba khách hàng quốc phòng hàng đầu của Nga ở châu Phi cận Sahara là Angola, Nigeria và Uganda. Tương tự, Trung Quốc hiện là nhà cung cấp hàng đầu cho hai khách hàng lớn của Nga ở châu Á là Myanmar và Bangladesh. Riêng Indonesia dùng vũ khí nhập khẩu từ Hàn Quốc, Mỹ và Anh.
Chiến lược bán hàng của Trung Quốc với thị trường cấp thấp gồm hai mặt: thay thế các nhà sản xuất Mỹ và đồng minh Mỹ và thay thế nguồn cung cấp của Nga. Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu sang châu Á, chiếm 77% doanh số bán vũ khí của nước này. Bán hàng cho Pakistan chiếm tới 38% xuất khẩu của Trung Quốc ở châu Á, mặc dù Trung Quốc đã đa dạng hóa sang Bangladesh, Myanmar, Thái Lan và Indonesia.
Trung Quốc càng lúc càng xuất khẩu vũ khí nhiều hơn sang châu Phi, với doanh số tăng trưởng 55% trong giai đoạn 2012-2017. Doanh số bán hàng của Trung Quốc tập trung ở châu Phi cận Sahara, với giá trị hợp đồng nhỏ hơn các giao dịch béo bở ở Bắc Phi. Bắc Phi chiếm lần lượt 88% và 86% xuất khẩu vũ khí của Mỹ và Nga vào châu Phi. Do đó, những rắc rối xuất khẩu của Nga hiện nay có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc cạnh tranh ở Bắc Phi.
Thị phần Mỹ Latinh của Trung Quốc hiện còn khiêm tốn. Venezuela, nhà nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc, năm 2012 ký thỏa thuận trị giá hơn 500 triệu USD mua xe bọc thép chở quân và pháo tự hành. Mặt hàng thiết bị quân sự của Trung Quốc ở Argentina, Bolivia và Peru đa dạng từ tàu tuần tra biển đến máy bay chiến đấu đa năng (JF-17). Mặc dù doanh số bán vũ khí của Nga cho Mỹ Latinh chỉ chiếm 0,8% tổng doanh số bán hàng toàn cầu của Nga từ năm 2015-2019, nhưng doanh số bán máy bay và trực thăng tiềm năng của Nga kéo dài từ Mexico đến Argentina.
Do đó, Trung Quốc gặp khó khăn trong việc xuất khẩu máy bay và các hệ thống cao cấp sang khu vực, nhưng sự rút lui của Nga có thể mở ra cơ hội thị trường cho Trung Quốc. Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở Mỹ Latinh đã rất đáng kể. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ba nền kinh tế lớn nhất khu vực là Brazil, Argentina và Chile. Máy bay K-8 và Y-8 của Trung Quốc và hệ thống radar di động xuất khẩu sang Venezuela hiện làm xói mòn nỗ lực của Mỹ trong việc hạn chế việc mua vũ khí của các chế độ độc tài trong khu vực. Trung Quốc có thể khuyến khích các nước trong khu vực giữ thái độ trung lập và từ chối tiếp cận Mỹ.
Đối sách của Washington
Để giải quyết bài toán hóc búa ở trên, Mỹ có thể tạo ra một tổ hợp quốc phòng đa quốc gia gồm các nước thân thiện sản xuất vũ khí cho thị trường thấp cấp. Mỹ cũng có thể tạo điều kiện tiếp cận thị trường bằng cách tận dụng các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao và thể hiện cam kết duy trì vũ khí thông qua cộng tác với các nhà sản xuất. Các chính sách của Washington có thể bao gồm: tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho sản phẩm do các đối tác và đồng minh sản xuất; và hỗ trợ phát triển vũ khí bình dân của các nước thân thiện.
Chính sách tiếp cận thị trường có thể khuyến khích các đối tác và đồng minh xuất khẩu máy bay không người lái (UAV) giá rẻ. Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu UAV chiến đấu hàng đầu thế giới với nhiều khách hàng bao gồm các đối tác, đồng minh của Mỹ như Ai Cập, Iraq, Ảrập Xêút, UAE, Nigeria, Algeria, Pakistan, Ethiopia… Thổ Nhĩ Kỳ có thể thâm nhập thị trường thấp cấp với dòng UAV chiến đấu như Bayraktar TB2, Akinci… Các nhà sản xuất tư nhân của Ấn Độ cũng đang tăng cường sản xuất UAV.
Mỹ cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường cho pháo tự hành K9 và xe tăng chiến đấu chủ lực K2 Black Panther của Hàn Quốc. Các biến thể của K9 đang được xuất khẩu sang các đối tác, đồng minh của Mỹ như Ba Lan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Na Uy, Estonia, Úc, Ai Cập… Ấn Độ đang nhập khẩu K9 vì nó vượt trội hơn 2S19 Msta của Liên Xô-Nga, và hai hãng Larsen và Toubro của Ấn Độ sẽ sản xuất 50% biến thể địa phương K-9 Vajra.
Ngoài ra, Mỹ có thể tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các đối tác, đồng minh bằng cách bắn tín hiệu hỗ trợ các nền tảng và dịch vụ. Ví dụ, hợp tác của hãng Lockheed Martin (Mỹ) với Korea Aerospace Industries (Hàn Quốc) để phát triển các bản nâng cấp của dòng máy bay huấn luyện siêu thanh KAI T-50… Mỹ cũng có thể phát tín hiệu hỗ trợ bảo trì, bảo dưỡng máy bay chiến đấu hạng nhẹ của Ấn Độ với động cơ GE và máy bay huấn luyện Aero L-39NG do CH Séc sản xuất với động cơ William International/Rolls Royce FJ44. Các máy bay này có thể so sánh với Hongdu L-15, JF-17 của Trung Quốc và Yak-130 của Nga.
Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo một báo cáo vào tháng 5/2022, doanh số bán hàng trong khu vực giảm từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Sự phụ thuộc của Mátxcơva vào Bắc Kinh trong cuộc chiến với Ukraine hiện nay có thể cho phép Trung Quốc chặn việc bán thiết bị của Nga cho các đối thủ của Trung Quốc như Ấn Độ…