Xung đột Nga - Ukraine và chuyện độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ
Một ngày trước lễ kỷ niệm một năm cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, hầu hết các nước trên thế giới đã bỏ phiếu nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc kêu gọi các bên xung đột chấm dứt chiến sự và yêu cầu Nga rút khỏi Ukraine.
Nghị quyết đã được thông qua với 141 phiếu thuận, 32 phiếu trắng và 7 phiếu chống.
Đây không phải là điều mới. Năm 2022, Đại Hội đồng cũng đã nhiều lần bỏ phiếu áp đảo cho nghị quyết liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine. Số phiếu bầu nói lên điều gì?
Thứ nhất, số phiếu bầu cho thấy đại đa số các nước trên thế giới ủng hộ và đề cao nguyên tắc không vi phạm chủ quyền, lãnh thổ của các nước khác, tuy các nước này hiểu rằng nghị quyết được thông qua khó có thể có tác động đến hành động của Nga trên chiến trường do tính chất không ràng buộc.
Thứ hai, số phiếu bầu không nói lên được thái độ của các nước trước cuộc xung đột. Bỏ phiếu thuận cho những nghị quyết này là cách dễ dàng nhất thể hiện thái độ ủng hộ Ukraine mà không làm mếch lòng Nga. Nhiều nước bỏ phiếu kêu gọi Nga tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Nga nhưng không áp dụng biện pháp trừng phạt Nga. Bỏ phiếu thuận cho nghị quyết lên án xung đột không có nghĩa là các nước này đứng về một bên trong cuộc xung đột. Trên thực tế, nhiều nước lên án việc Israel đối xử tàn bạo với người Palestine nhưng vẫn duy trì quan hệ với Israel.
Thứ ba, tuy có nhiều ý kiến khác nhau về cuộc xung đột, đại đa số các nước đều chia sẻ và ủng hộ nguyên tắc "độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" như được nêu trong Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp quốc.
Thứ tư, cuộc xung đột đang tạo điều kiện cho sự phát triển của một lực lượng ngoại giao mới, nhóm các nước không liên kết. Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột đã phần nào làm sống lại thái độ không liên kết tồn tại thời chiến tranh lạnh. Hầu hết các nước đều đã không chọn bên và có những dấu hiệu cho thấy các nước châu Phi bắt đầu tập hợp để bỏ phiếu trắng trong những vấn đề liên quan đến Ukraine.
Thứ năm và là điểm cuối cùng là tuy các nước đề cao nguyên tắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhiều nước tránh trừng phạt Nga thông qua Đại Hội đồng. Tháng Tư, số phiếu thuận cho nghị quyết về tạm không cho Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền chỉ có 93 phiếu thuận so với con số trung bình 140 phiếu thuận cho các nghị quyết khác liên quan đến Ukraine. Tháng Mười một, cũng chỉ có 94 nước bỏ phiếu thuận cho nghị quyết đòi Nga phải trả tiền bồi thường chiến tranh cho Ukraine.
Qua sáu lần bỏ phiếu tại Đại Hội đồng về các vấn đề liên quan đến xung đột Ukraine trong năm 2022 và đầu năm 2023, các nước thành viên Liên Hiệp quốc đã chứng tỏ mình vẫn kiên trì theo đuổi nguyên tắc bất di bất dịch cho dù có những khác biệt về khu vực và về đồng minh và địa chính trị. Cho dù Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc không thể có những nghị quyết mang tính ràng buộc nhưng Liên Hợp quốc vẫn là một diễn đàn để bảo vệ quyền cơ bản của các dân tộc, đó là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.