Xung đột ở Gaza: Israel mở rộng vùng cấm, khủng hoảng nhân đạo leo thang
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), Israel đã hạn chế quyền tiếp cận của người Palestine đối với khoảng 70% diện tích Dải Gaza, thông qua việc thiết lập các vùng cấm và ban hành lệnh di dời cưỡng bức.

Quân đội Israel được triển khai gần biên giới với Dải Gaza ngày 20/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Hãng tin Al Jazeera dẫn nguồn tin tại địa phương cho biết tại khu vực phía Nam, gần như toàn bộ tỉnh Rafah đã bị quân đội Israel tuyên bố là vùng cấm và yêu cầu người dân sơ tán kể từ cuối tháng 3. Trong khi đó, ở phía Bắc, phần lớn thành phố Gaza cũng rơi vào tình trạng tương tự, ngoại trừ một số khu vực nhỏ ở phía Tây Bắc vẫn chưa bị ảnh hưởng. Ngoài ra, toàn bộ khu vực phía Đông của khu phố Shujayea, cùng vùng dọc biên giới Israel, cũng đã bị phong tỏa nghiêm ngặt.
Trong một tuyên bố ngày 5/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết trên 2 triệu người dân Gaza sẽ được di dời trong khuôn khổ một chiến dịch tấn công trên bộ mới. Ông khẳng định lực lượng Israel sẽ giữ quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ đã kiểm soát, nhằm thiết lập “sự hiện diện lâu dài” tại Gaza.
Thông báo này được đưa ra sau khi nội các Israel thông qua kế hoạch triệu tập thêm 60.000 quân dự bị và giao nhiệm vụ cho quân đội hỗ trợ cung cấp thực phẩm, cũng như các nhu yếu phẩm cho người dân đang trong tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng tại Gaza.
Từ trung tâm Gaza, phóng viên Tareq Abu Azzoum của Al Jazeera đưa tin rằng nhiều người Palestine coi hành động quân sự của Israel là một hình thức trừng phạt tập thể. Họ lo ngại rằng mục tiêu thực sự không chỉ là tiêu diệt Hamas mà còn là thay đổi cấu trúc dân cư và chính trị của Gaza.
Một bộ phận lớn người Palestine tin rằng Israel đang ưu tiên việc kiểm soát lãnh thổ hơn là tìm kiếm giải pháp chính trị, khiến nhiều người rơi vào trạng thái sợ hãi trước viễn cảnh không thể trở về nhà. Họ cho rằng các hoạt động quân sự của Israel là nhằm che giấu ý định di dời cư dân và kiểm soát hoàn toàn nguồn viện trợ đến Gaza.
Bất chấp những khó khăn, mạng xã hội Palestine tràn ngập các thông điệp về sự kiên cường. Nhiều người bày tỏ quyết tâm ở lại Gaza, bất kể phải trả giá như thế nào.
Trong khi đó, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine (PRCS) cảnh báo khu vực này đang đứng trước nguy cơ xảy ra nạn đói nghiêm trọng do thiếu hụt hoàn toàn lương thực tại các chợ và trung tâm phân phối.

Người dân Palestine chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại Gaza ngày 3/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Tổ chức nhân quyền Israel B’Tselem cáo buộc chính quyền Israel sử dụng nạn đói như một công cụ chiến tranh, trong khi trẻ em chiếm một nửa số người đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất, PRCS cho biết không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản hàng ngày của trên một triệu người đã bị di dời. Các kho dự trữ lương thực của tổ chức này đã hoàn toàn cạn kiệt, chỉ còn lại một lượng nhỏ đậu khô để cung cấp cho các bếp ăn cộng đồng.
Từ ngày 18/3, khi lệnh ngừng bắn kéo dài gần hai tháng giữa Israel và Hamas bị phá vỡ, các cuộc không kích và tấn công mới đã khiến ít nhất 2.459 người Palestine thiệt mạng. Tính đến nay, tổng số người thiệt mạng tại Dải Gaza kể từ khi xung đột leo thang đã lên tới 52.567 người.